Năm 2007, Nasdaq đã vấp phải sự cạnh tranh từ các sàn khác như Hồng Kông, Thượng Hải, New York.

Năm 2007, Nasdaq đã vấp phải sự cạnh tranh từ các sàn khác như Hồng Kông, Thượng Hải, New York.

Nasdaq-NYSE: cuộc đua trên trường đua Trung Quốc

(ĐTCk-online) Trong một động thái mới nhất, 2 sàn này đã thành lập văn phòng đại diện tại Bắc Kinh. Cả 2 đang tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp Trung Quốc tới Mỹ niêm yết.

T rước đây, khi tính tới việc niêm yết trên sàn ngoại, các doanh nghiệp về công nghệ của Trung Quốc luôn coi Nasdaq như một lựa chọn hàng đầu. Tới nay, đã có 52 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq, bao gồm những doanh nghiệp kinh doanh về mạng như Sohu, Netease và Sina, những doanh nghiệp đã niêm yết từ năm 2000. Gần đây, một số đại gia của Trung Quốc như Baidu (chuyên về công cụ tìm kiếm) hay Focus Media cũng đã chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trên Nasdaq vào năm 2005.

Nhưng kể từ năm 2007, Nasdaq đã vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sàn khác như Hồng Kông, Thượng Hải , New York ... Mặc dù Nasdaq đã thu hút được 9 đợt IPO trong năm nay, với tổng số vốn huy động là 1,7 tỷ USD nhưng chỉ có một vụ IPO được xếp trong top 20 vụ IPO lớn nhất tính về tổng số vốn huy động. Trong khi đó, sàn Hồng Kông đã thu hút 49 doanh nghiệp Trung Quốc, huy động được 28,6 tỷ USD; còn New York Stock Exchange (NYSE) cũng đạt 4,19 tỷ USD với 14 doanh nghiệp niêm yết. Vậy là cuộc cạnh tranh giữa Nasdaq và NYSE đã lan tới thị trường Trung Quốc. Vào ngày 3/12, Nasdaq đã mở văn phòng đại diện tại Bắc Kinh thì NYSE cũng có kế hoạch mở văn phòng một tuần sau đó (vào ngày 11/12). Cạnh tranh là có thể hiểu được, khi mà Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp doanh nghiệp IPO và niêm yết lớn nhất thế giới, với giá trị lên tới 59,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, miếng bánh này không chỉ có Nasdaq và NYSE nhòm ngó. Nếu tổng cộng Nasdaq và NYSE huy động được khoảng 5,7 tỷ USD từ các đợt IPO của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay thì sàn Thượng Hải cũng đạt 4,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, sàn Thượng Hải còn huy động thêm hàng chục tỷ USD thông qua các đợt niêm yết bổ sung từ các công ty đã niêm yết trên sàn Hồng Kông; Singapore cũng huy động được 1,54 tỷ USD; còn sàn London AIM là 1,53 tỷ USD.

Một “thất bại” của Nasdaq trong năm nay là việc không thu hút được IPO của doanh nghiệp thương mại điện tử Alibaba. Alibaba cho rằng, niêm yết tại Hồng Kông giúp giá cổ phiếu của công ty này cao hơn, do các nhà đầu tư ở đây hiểu rõ hơn mô hình kinh doanh của Alibaba so với các nhà đầu tư phương Tây. Lập luận này có vẻ đúng khi mà lượng đăng ký đấu giá của Alibaba cao gấp 251 lần lượng chào bán và giá tăng tới 192% ngay trong ngày niêm yết đầu tiên.

“Trong 6, 7 năm qua, các công ty Trung Quốc đã hình thành một lối mòn trong suy nghĩ là phải niêm yết trên Nasdaq. Chúng tôi chọn sàn Hồng Kông (trái với truyền thống) vì khả năng thu hút các nhà đầu tư tổ chức”, ông Porter Erisman, Phó giám đốc của Alibaba cho biết.

Ông này cho biết thêm, một trong những lý do khiến doanh nghiệp Trung Quốc giảm hứng thú với các sàn Mỹ là việc tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào các chương trình tiếp xúc với giới đầu tư.

Một yếu tố khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc ngần ngại là các vụ kiện tụng của cổ đông tại các công ty niêm yết ở Mỹ rộ lên trong thời gian gần đây. Ngày 27/11, công ty kinh doanh trò chơi của Thượng Hải - Giant Interactive bị cáo buộc gian lận trong quá trình IPO, trong khi Focus Media bị kiện vì việc chậm công bố bản cáo bạch khi niêm yết bổ sung trên Nasdaq vào đầu tháng 11. Trước đó, tháng 10, Công ty sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Sunergy cũng “dính” vào những rắc rối pháp lý.

“Niêm yết tại Mỹ hiện khá nhạy cảm về pháp lý. Điều này là một trong những cản trở lớn nhất trong việc thu hút doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trong thời gian tới”, ông Jason Cox, đồng Giám đốc quản lý về TTCK tại Merrill Lynch Hồng Kông nhận định.