Nhà sản xuất game NetEase, hãng dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing và hãng thương mại điện tử JD.com đều thông báo cắt giảm việc làm cũng như những đãi ngộ với nhân viên khi tăng trưởng giảm tốc, môi trường kinh doanh gặp trở ngại và gặp nhiều khó khăn từ các quy định mới.
“Cho dù là Didi, NetEase hay JD.com, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp phải làm vậy là áp lực từ tình hình kinh doanh hiện tại. Cụ thể, những công việc kinh doanh hiện tại đối diện với nhiều bất ổn, trong khi hoạt động mới chưa khởi sắc. Việc cắt giảm nhân sự là buộc phải làm trong quá trình này”, Zhang Yi, người sáng lập hãng tư vấn iiMedia Group cho biết.
Số lượng công việc tại các công ty Internet Trung Quốc đã giảm 20% trong quý IV/2018 so với cùng kỳ năm trước đó, theo Zhaopin.com, hãng tư vấn tuyển dụng. Các chuyên gia dự báo, áp lực cắt giảm lao động sẽ ngày càng gia tăng với nhóm doanh nghiệp này, khi nền kinh tế giảm tốc tạo tác động tiêu cực hơn nữa.
Didi Chuxing là trường hợp điển hình trong câu chuyện này. Từng được ca ngợi là “nhà vô địch quốc gia” khi xóa sổ Uber khỏi Trung Quốc năm 2016, hiện tại, Didi đã phải giảm 15% lực lượng nhân sự, tương đương 2.000 nhân viên. Các phúc lợi đi kèm như lớp tập yoga, chế độ ăn uống đều bị bãi bỏ, mà nguyên nhân được Công ty đưa ra là hạn chế lãng phí.
Hiện tại, công việc kinh doanh của Didi đối diện nhiều áp lực, bởi giới chức Trung Quốc thắt chặt hơn các quy định với dịch vụ chia sẻ xe sau hàng loạt scandal liên quan tới an toàn của hành khách. Kể từ khi các vụ việc bùng nổ, Didi đã có động thái xin lỗi công khai tới khách hàng, thiết lập thêm các biện pháp an toàn như cài đặt chức năng gọi cảnh sát giúp đỡ, chia sẻ lịch trình chuyến đi với bạn bè và người thân.
Không riêng Didi, các doanh nghiệp Internet khác cũng phải theo đuổi những chiến lược mới để đối diện với thử thách. NetEase cũng như các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử đang gặp khó khăn hơn để xin phép phát hành các tựa game mới, nhất là khi giới chức Trung Quốc đang tạm đình chỉ việc cấp giấy phép mới kể từ giữa năm 2018.
Trong khi đó, JD.com, hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc cho biết, tốc độ tăng trưởng khách hàng đạt 4% trong quý IV/2018, giảm từ mức 15% trong quý trước đó, khi các đối thủ mới như Pinduoduo gia nhập và cạnh tranh thị phần.
Cùng với những khó khăn xuất phát từ phía giới chức, các công ty Internet Ðại lục còn đối diện với xu hướng giảm chi tiêu tại thị trường nội địa. Năm 2019, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào khoảng 6 - 6,5%, đánh dấu mức tăng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, trong bối cảnh chính phủ và doanh nghiệp đang gánh các khoản nợ lớn, xung đột thương mại với Mỹ tạo áp lực lên hoạt động sản xuất - kinh doanh và tâm lý thị trường.
Với việc Trung Quốc kiểm soát các rủi ro đầu tư để giảm thiếu rủi ro tài chính, dòng vốn từ các quỹ chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng chậm hơn. Các quỹ đầu tư chứng khoán chỉ huy động được 1.010 tỷ nhân dân tệ (149 tỷ USD) trong năm ngoái, giảm gần 30% so với năm 2017, theo hãng nghiên cứu Zero2IPO Research. Ðiều này đồng nghĩa với việc các công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc sẽ khó tiếp cận hơn với nguồn vốn, nhất là khi các nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng.
“Rất nhiều công ty khởi nghiệp không thể huy động tiền đầu tư, vì vậy buộc phải giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng”, Ken Xu, đối tác của hãng đầu tư Gobi Partners cho biết.