Ảnh AFP

Ảnh AFP

Mỹ - Trung nối lại đàm phán, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 đã giúp giới đầu tư hứng khởi trong phiên giao dịch thứ Năm (5/9).

Hôm thứ Năm, trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Trong cuộc điện đàm này, 2 bên đã nhất trí nối lại cuộc đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 tới tại Washington.

Trong khi đó, báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân (ADP) cho thấy, số lao động tạo thêm trong khu vực này trong tháng 8 tăng nhanh nhất trong 4 tháng, dẫn đầu bởi những công việc trong lĩnh vực dịch vụ.

Một cuộc khảo sát khác cho thấy, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã tăng tốc trở lại trong tháng 8, từ mức yếu nhất trong gần 3 năm trong tháng 7, khi các đơn đặt hàng mới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 trong bối cảnh lo ngại thương mại. Dữ liệu mới công bố giúp giới đầu tư giảm bớt lo lắng về suy thoái kinh tế.

Những thông tin trên giúp giới đầu tư hồ hởi xuống tiền, kéo phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Dow Jones tăng 372,68 điểm (+1,41%), lên 26.728,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 38,22 điểm (+1,30%), lên 2.976,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 139,95 điểm (+1,75%), lên 8.116,83 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh đảo chiều giảm điểm do ảnh hưởng từ việc một số công ty chia cổ tức, còn lại chứng khoán chung của khu vực và của Đức, Pháp đều tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với thông tin Mỹ - Trung sẽ nối lại đàm phán vào đầu tháng 10.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới để đối phó với cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những thông tin trên đã lấn át dữ liệu kinh tế yếu kém của Đức vừa được công bố.

Cụ thể, dữ liệu vừa công bố cho thấy, các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 7 do nhu cầu yếu từ nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang gặp khó khăn và báo hiệu nền kinh tế lớn nhất châu Âu đứng trước quý suy thoái trong quý III.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,09 điểm (-0,55%), xuống 7.271,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 101,74 điểm (+0,85%), lên 12.126,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 61,30 điểm (+1,11%), lên 5.593,37 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng vọt trước đó, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng mạnh trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Nhật Bản sau thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại trong tháng 8. Cùng với đó là các thông tin tích cực từ Hồng Kông khi lãnh đạo thành phố tuyên bố rút dự luật dẫn độ và diễn biến mới của Brexit tại Anh.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 436,8 điểm (+2,12%), lên 21.085,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,45 điểm (+0,96%), lên 2.985,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,7 điểm (-0,03%), xuống 26.515,53 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, thông tin Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại trong tháng 10 đã khiến vai trò trú ẩn của vàng bị phai nhạt, cùng áp lực chốt lời sau phiên tăng mạnh hôm thứ Tư lên mức cao nhất 6,5 năm đã đẩy giá kim loại quý này lao dốc trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 5/9, giá vàng giao ngay giảm 33,3 USD (-2,15%), xuống 1.518,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,9 USD (-2,24%), xuống 1.525,5 USD/ounce.

Thông tin kinh tế và cuộc chiến thương mại tích cực, cùng với việc hàng tồn kho của Mỹ giảm đã giúp giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với 2 phiên trước đó.

Kết thúc phiên 5/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,04 USD (+0,07%), lên 56,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,41%), lên 60,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan