Mỹ rút quân, dầu ở Syria sẽ thuộc về ai?

Mỹ rút quân, dầu ở Syria sẽ thuộc về ai?

(ĐTCK) Theo các nhà phân tích phương Tây, quyết định rút quân khỏi Syria của chính quyền Washington sẽ dẫn đến một tình khó kiểm soát. Người Thổ Nhĩ Kỳ vượt sẽ qua biên giới và tiến hành một cuộc tấn công vào người Kurd, Damascus sẽ lấy lại được dầu trong lãnh thổ do người Kurd kiểm soát hoặc IS sẽ quay trở lại.

Hôm thứ Hai (21/10), tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Trump và Nhà Trắng đang xem xét đề nghị của Lầu Năm Góc, để lại khoảng 200 lính Mỹ ở miền Đông Syria để chiến đấu với IS.

Theo tờ nhật báo này, một trong những mục tiêu của kế hoạch này là giúp người Kurd duy trì quyền kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông bằng cách ngăn chặn các lực lượng của chính phủ Syria và Nga di chuyển đến đó.

Trước đó, theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, khoảng 1.000 binh sĩ nước này sẽ rút khỏi Syria và được điều động đến một số khu vực ở phía tây Iraq bằng cả đường không và đường bộ. Đây được coi là sự khởi đầu cho đợt rút quân lớn nhất khỏi lãnh thổ Syria của Mỹ.

Theo trang Oilprice.com, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang tuyệt vọng vì vấn đề dầu mỏ, vì vậy việc Mỹ rút quân có nghĩa là Damascus có thể có được lãnh thổ dưới sự kiểm soát của người Kurd mà không cần phải chiến đấu và người Kurd không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ sự thù hằn với Chính phủ Tổng thống al-Assad, bởi họ hiểu rằng, không thể một mình chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn lo lắng và nhìn thấy mối đe dọa đối với an ninh của quốc gia này trong bất kỳ sự động thái nào của người Kurd được hỗ trợ bởi người Mỹ. Việc Mỹ rút quân tạo điều kiện cho người Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới và tiến hành một cuộc tấn công.

Truyền thông phương Tây đều coi lần rút quân này của Mỹ là một sự phản bội, nhưng thực tế, người Kurd cũng vốn đã rất thực dụng. Mặc dù là đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Syria, nhưng người Kurd đã cung cấp dầu cho chính phủ của ông Assad thông qua một trung gian tại Syria, chống lại các lệnh trừng phạt được áp đặt bởi Mỹ và châu Âu.

Nga, nước nhận được quyền độc quyền của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đối với sản xuất dầu ở Syria, cũng đang theo sát diễn biến ở Trung Đông. Các công ty dầu khí của Nga đã tham gia các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Damascus để khai thác "vàng đen".

Theo các nhà phân tích phương Tây, Moscow cần dầu của Syria và tiếp cận đường ống ở đây để củng cố vị thế của mình ở miền Đông Địa Trung Hải.

Syria là chìa khóa để duy trì sự kiểm soát của Nga đối với biển Địa Trung Hải và là mắt xích quan trọng trong bất kỳ dự án khí đốt mới nào có thể đe dọa thị phần của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), vì sớm hay muộn, khí đốt từ Địa Trung Hải cũng sẽ chảy vào châu Âu.

Bên cạnh đó, Moscow có độc quyền đối với dầu khí ở Syria, nhưng chính quyền ông Assad cũng cấp cảng Latakia cho người Iran. Còn cảng Tartus mà người Nga nhận được thì nhỏ hơn nhiều.

Trong khi đó, khi việc kinh doanh dầu của IS bị cản trở do sự xuất hiện của người Kurd được quân đội Mỹ hỗ trợ. Lực lượng cực đoan này đã dựa vào các nguồn tài trợ khác, dựa theo quy tắc nổi tiếng “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Và điều này dẫn đến IS không thể bị tiêu diệt hoàn toàn, có thể nhanh chóng tập hợp lại và xuất hiện mọi lúc, mọi nơi.

Chỉ trong vài năm, lãnh đạo IS đã xoay xở bằng nhiều cách khác nhau và kiếm được khoảng 6 tỷ USD, giao dịch với thế giới bên ngoài cả từ Syria và từ Iraq, khiến IS trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất trong lịch sử.

Trong năm 2015, các cuộc không kích của lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã phá hủy hơn 2.500 xe chở dầu, cũng như các nhà máy lọc dầu di động và cơ sở hạ tầng liên quan đến dầu mỏ khác của lực lượng IS. Năm 2017, sản lượng dầu của IS ở Iraq và Syria đã giảm xuống dưới 4 triệu USD mỗi tháng từ mức cao nhất là 50 triệu USD trong năm 2016.

Sau thất bại, nhóm khủng bố kiếm tiền thông qua các loại hoạt động tội phạm khác, bao gồm tống tiền, bắt cóc để đòi tiền chuộc, cướp, buôn lậu ma túy, buôn bán cổ vật và vẫn tồn tại.

Mỹ đang rút quân khỏi Syria, để lại đây một sự hỗn loạn khó kiểm soát và mối nguy cơ IS quay trở lại.

Hoặc là quân đội của Tổng thống Assad sẽ phải vượt qua sông Euphrates và đẩy dồn người Kurd về phía Bắc Syria, nghĩa là về phía người Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Nga sẽ phải can thiệp để tạo ra lối đi an toàn cho người Kurd ở phía Nam các nước này.

Điều này sẽ chỉ xảy ra khi người Kurd sẵn sàng chịu để cho chính quyền ông Assad cai trị lãnh thổ của mình. Nếu không đạt được thỏa thuận và chiến tranh bắt đầu, IS sẽ quay trở lại phía Bắc Syria và tất cả dầu mỏ sẽ lại nằm trong tay khủng bố.

Tin bài liên quan