Mỹ đẩy mạnh “cuộc chiến” nhôm thép, những kẻ chiến bại đã được xác định

Mỹ đẩy mạnh “cuộc chiến” nhôm thép, những kẻ chiến bại đã được xác định

(ĐTCK) Ngày 1/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang lên kế hoạch đánh thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, ông Trump đang hướng tới việc sử dụng loại “vũ khí” gây tranh cãi, nhiều khả năng tạo nên những phản ứng giận dữ tại nhiều quốc gia, cùng các đơn kiện được gửi tới WTO.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại mới, các vấn đề đã được đưa ra mổ xẻ và người chiến thắng, cũng như kẻ chiến bại đã được gọi tên.

Vũ khí lợi hại

Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Mỹ cho phép Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.

Sau kết quả rà soát mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Wilbur Ross, người từng là một doanh nhân ngành thép, đã trình Tổng thống Trump một loạt kiến nghị để cân nhắc. Trong đó bao gồm việc đánh thuế ít nhất 24% đối với sản phẩm thép từ các quốc gia Nga, Trung Quốc, Venezuela và Việt Nam; cùng với việc đánh thuế ít nhất 7,7% vào sản phẩm nhôm từ mọi quốc gia vào Mỹ.

Ông Trump có thời gian từ nay cho tới giữa tháng 4 để đưa ra bất kỳ quyết định nào, tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Mỹ dự định sẽ đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ.

Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại 1962 là một công cụ pháp luật hiếm khi được Mỹ sử dụng, số vụ việc trong quá khứ rất ít và hầu hết các vụ việc điều tra theo quy định này đều có kết luận là không áp dụng biện pháp. Đa phần các vụ việc trước đây có liên quan tới dầu mỏ và sự kiện diễn ra gần nhất là năm 2001, khi Bộ Thương mại Mỹ điều tra sản phẩm quặng sắt và thép bán thành phẩm. Tuy nhiên, kết luận là hoạt động nhập khẩu không đe dọa tới an ninh quốc gia.

Vậy lần này, tại sao Tổng thống Trump lại mạnh tay đến vậy với sản phẩm nhôm, thép? Trong một dòng trạng thái trên Twitter mới đây, ông Trump viết: “Ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta (cũng như nhiều quốc gia khác) đã phải chịu tổn hại trong hàng thập kỷ bởi các chính sách thương mại không công bằng với các quốc gia trên khắp thế giới. Chúng ta sẽ không để đất nước, doanh nghiệp và người dân bị lợi dụng thêm nữa. Chúng ta muốn thương mại tự do, công bằng và thông minh!”.

Điều này đã thể hiện quyết tâm của Tổng thống Mỹ trong việc bảo vệ nền công nghiệp trong nước, phù hợp với chiến lược bảo hộ mà ông Trump luôn theo đuổi.

Bên cạnh đó, động thái này của nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu có nhiều xáo trộn và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn bảo vệ thị trường thép nội địa. Thực tế, ngành công nghiệp thép thế giới đang trong tình trạng dư cung, với lượng cung dư thừa hơn 700 triệu tấn, một nửa con số này xuất phát từ Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Các đối tác thương mại của Trung Quốc đều có hành động đáp trả quốc gia này như tăng thuế với sản phẩm nhập khẩu từ Đại lục.

Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hai nhà nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và cả hai đều có động thái kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để tái cân bằng thị trường.

Một vấn đề đáng lưu ý là hành động áp thuế cao hơn với sản phẩm nhôm thép không hẳn là động thái gây hấn trực tiếp với Trung Quốc của Mỹ như nhiều người nhầm tưởng. Dù Đại lục được xem là “ông ba bị” trên thị trường thép, nhưng sản lượng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 72% kể từ năm 2014, khi Tổng thống Barack Obama thiết lập thuế mới với sản phẩm thép. Năm 2016, Trung Quốc chỉ đứng thứ 11 trong số các nhà xuất khẩu thép lớn nhất sang Mỹ.

Trong cùng thời kỳ này, sản lượng nhập khẩu thép từ Việt Nam vào Mỹ tăng hơn 6 lần. Đồng thời, trong tổng hơn 30 triệu tấn thép nhập khẩu năm 2017, gần 1/3 tới từ Canada và Brazil.

Kẻ chiến thắng và thất bại

Nếu hành động đánh thuế của Tổng thống Donald Trump có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại mới, thì danh sách người chiến thắng và thất bại đã phần nào được định hình. Tuy nhiên, kẻ được hưởng lợi chỉ có một, còn những cái tên chịu thiệt hại sẽ khá nhiều.

Người chiến thắng duy nhất nếu Tổng thống Trump thực hiện lời nói của mình là các nhà sản xuất thép Mỹ như Nucor Corp, AK Steel Holding Corp, U.S. Steel Corp. Thực tế, đây cũng chính là các nhân vật đã vận động hành lang một cách hăng hái nhất nhằm đạt được mục tiêu có thêm các biện pháp tự vệ trước sự cạnh tranh mà họ đánh giá là “không công bằng” với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc.

Với mức thuế dự định ở khoảng 25% đối với thép và 10% với nhôm từ tất cả các quốc gia, giá thép tại Mỹ được đánh giá sẽ sớm leo dốc. Hiện tại, thép cuộn - được sử dụng làm giá tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp thép đã bắt đầu nhích lên mức 780 USD/tấn, theo Metal Bulletin.

Trong số các doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi, ArcelorMittal có thể vui nhất, bởi đây không chỉ là nhà sản xuất thép khổng lồ của Mỹ, mà còn là nhà cung cấp vật liệu xây dựng cho Trung tâm thương mại Thế giới - tòa tháp đôi 110 tầng tại New York.

Nói tới những kẻ chiến bại, đối tượng dễ nhận thấy nhất chính là các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, trong đó Top 3 là Canada, Brazil và Hàn Quốc. Do đó, giới chức các quốc gia này đã phản ứng ngay trước hành động của nước Mỹ. Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất của Mỹ cho rằng, các biện pháp này là không thể chấp nhận được, trong khi Liên minh châu Âu cam kết sẽ có hành động cứng rắn với Mỹ.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, EU sẽ chuẩn bị để có lời đáp trả đối với các sản phẩm từ Mỹ nhập khẩu vào khu vực, trong đó có mô tô Harley-Davidson Inc, đồ may mặc của Levi Strauss & Co và các loại rượu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko trả lời phỏng vấn tại Tokyo rằng: “Thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản, vốn là một đồng minh với Mỹ, không hề đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Tôi muốn truyền tải thông điệp này tới Mỹ khi có cơ hội”.

Với động thái đánh thuế sản phẩm thép và nhôm, giá cổ phiếu của hàng loạt nhà sản xuất thép châu Á đã đi xuống, trong đó có những tên tuổi như JFE Holdings Inc và Kobe Steel Ltd. Chỉ số sắt/thép toàn cầu của Bloomberg theo dõi 65 nhà sản xuất lớn trên thế giới đang hướng tới quý thứ ba giảm liên tiếp.

Một đối tượng chịu thiệt thòi khác chính là thị trường Đông Nam Á khi thành khu vực hấp thu lượng thép chuyển hướng khỏi Mỹ. Trong bối cảnh nhiều quốc gia sản xuất thép đang dư cung, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác là điều không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước tình trạng khó khăn, khi Mỹ từ lâu đã trở thành thị trường xuất khẩu trọng điểm. Với các hợp đồng đã được ký từ năm 2017, việc thực hiện hợp đồng sẽ có sự xáo trộn khi mức giá thay đổi, dẫn tới phải đàm phán lại.

Với chính sách đánh thuế nhôm thép của Mỹ, chính người tiêu dùng tại Mỹ, bao gồm doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu nhôm thép sẽ chịu tổn thương khi mức giá tại thị trường nội địa cao hơn. Darwei Kung, nhà quản lý danh mục đầu tư hàng hóa tại Deutsche Asset Management cho biết, các nhà sản xuất vỏ lon bia, máy bay, xe hơi, cùng rất nhiều doanh nghiệp khác sẽ phải đối mặt với chi phí đầu vào gia tăng, trong khi khả năng chuyển phần chênh lệch này sang người tiêu dùng là không lớn. Chưa kể, các doanh nghiệp có nguy cơ mất dần thị phần, khi các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào Mỹ có giá rẻ hơn.

Cuối cùng, với động thái mới của mình, nước Mỹ cũng là một nạn nhân, khi chuẩn bị đối phó với các biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia khác, vì đã châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại mới. Hiện tại, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp bảo hộ nội địa với sản phẩm cao lương nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đang nghiên cứu việc hạn chế nhập khẩu đậu nành. Điều này có thể làm tổn hại các bang có kinh tế dựa vào nông nghiệp, vốn ủng hộ cao đối với Tổng thống Donald Trump.

Tin bài liên quan