Mỹ chưa thể sớm đẩy công ty Trung Quốc rời sàn chứng khoán Mỹ

Mỹ chưa thể sớm đẩy công ty Trung Quốc rời sàn chứng khoán Mỹ

(ĐTCK) Mỹ vừa nổ phát súng mới nhất làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, khi Thượng viện thông qua dự luật có thể cấm các doanh nghiệp Đại lục niêm yết chứng khoán tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để nhìn thấy kết quả cuối cùng, còn một con đường dài phía trước.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng hơn trong vài tháng qua. Trước tiên là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nguồn gốc đại dịch Covid-19 và mới đây nhất là xung đột tại thị trường tài chính, khi giới chức Mỹ thông qua dự luật mới tại thị trường chứng khoán.

Cụ thể, dự luật mới được Thượng viện thông qua yêu cầu công ty nước ngoài phải có giấy chứng nhận không thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ mẫu quốc; các số liệu hoạt động tài chính buộc phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán Mỹ.

Trong khi đó, từ trước tới nay, Trung Quốc từ chối để Ủy ban Giám soát hoạt động kiểm toán cho các công ty đại chúng (Public Company Accounting Oversight Board - PCAOB) xem xét các báo cáo tài chính của doanh nghiệp đang niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ.

Dự luật này được thông qua sau khi scandal gian lận của Luckin Coffee Inc, doanh nghiệp được mệnh danh là đối thủ của Starbucks bị phát hiện, gây chấn động với các thành viên thị trường.

Bên cạnh đó, diễn biến đáng thất vọng của các cổ phiếu Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng khiến nhà đầu tư, cũng như giới chức Mỹ phiền lòng.

Trong số 12 công ty Trung Quốc lên sàn New York trong năm 2019, chỉ có 2 cổ phiếu đang giao dịch với giá trên mức có được khi IPO, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.

Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho rằng, Baidu Inc, công ty đang điều hành trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc sẽ cân nhắc rời sàn Nasdaq và chuyển tới sàn chứng khoán gần quê nhà hơn để thúc đẩy giá cổ phiếu.

Người phát ngôn của Baidu cho biết đây là “tin đồn” và từ chối bình luận thêm. Tuy nhiên, trước đó, một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba Group Holdings, JD.com Inc và NetEase Inc đều đã “phòng vệ” bằng cách niêm yết lần thứ hai tại sàn Hồng Kông.

Thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có thể cảm nhận được bầu không khí “thù địch” tại đây, nhưng sức hấp dẫn của thị trường Mỹ với thanh khoản cao, cơ sở nhà đầu tư lớn, nguồn vốn dồi dào… vẫn khiến nhiều công ty cố gắng bám trụ.

Trong bối cảnh này, Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Adamas Asset Management đánh giá: “Dự luật được thông qua với số phiếu đồng ý áp đảo cho thấy đây không phải sự giận dữ nhất thời. Việc Trung Quốc trở thành ngoại lệ trong quy tắc kiểm toán không thể kéo dài lâu hơn. Các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, trong đó có Nasdaq đều đã kiến nghị một số giải pháp. Cho dù là đảng nào thắng cuộc bầu cử, Trung Quốc cũng phải đối mặt với cơn gió nghịch chiều tại thị trường chứng khoán Mỹ”.

Ở góc nhìn khác, Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co chia sẻ: “Dự luật mới có thể tác động tới tâm lý của doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như nhà đầu tư trong ngắn hạn, nhưng tôi không lo lắng nhiều về ảnh hưởng sau này. Rất khó để giới chức Mỹ chứng minh doanh nghiệp Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi chính quyền Bắc Kinh và các công ty Ðại lục, nhất là tại ngành công nghệ, sẽ không dễ dàng từ bỏ thị trường Mỹ bởi nơi đây có các quy định linh hoạt, dễ thở, mang lại nhiều lợi ích lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Dù vậy, nhiều khả năng các doanh nghiệp Ðại lục có thể tìm tới một thị trường thay thế, thay vì nhất nhất hướng tới nước Mỹ. Jingyi Pan, chiếm lược gia thị trường tại IG Asia Pte cho rằng: “Mỹ có thể mất đi vị trí hàng đầu trong các điểm đến IPO đối với công ty Trung Quốc. Ðiều này làm tệ hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc, đồng thời tạo làn gió tích cực với các thị trường chứng khoán châu Âu, hay các thị trường châu Á như Hồng Kông, Singapore”.  

Tin bài liên quan