Mỹ chọc giận Trung Quốc, giới đầu tư lo sợ

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư (20/11) khi tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung có khả năng đổ bể sau khi Quốc hội Mỹ thông qua một sắc luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông làm Bắc Kinh nổi giận.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Trong phiên giao dịch thứ Tư, nhà đầu tư liên tiếp nhận các thông tin không tốt.

Vào tối thứ Ba, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật lên án cuộc đàn áp và cam kết hỗ trợ cho người biểu tình Hồng Kông. Sự việc này đã khiến Bắc Kinh nổi giận và ngay lập tức Trung Quốc lên tiếng chỉ trích.

Thông tin này đã khiến phố Wall giảm điểm ngay khi mở cửa và lao mạnh xuống mức thấp nhất ngày vào đầu giờ chiều khi một nguồn tin từ Nhà trắng cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không được ký kết trong năm 2019 như dự kiến trước đó. Trong khi đó, thời hạn mà Tổng thống Mỹ đặt ra để tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc là ngày 15/12.

Đà giảm được hãm lại vào cuối phiên, dù biên bản cuộc họp họp tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố cung cấp ít thông tin hỗ trợ.

Theo  biên bản cuộc họp tháng trước, đã có 8/10 nhà hoạch định chính sách bỏ phiếu giảm lãi suất 0,25%. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách tin rằng, chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ được điều chỉnh tốt và triển vọng kinh tế Mỹ nói chung là tích cực sau khi giảm lãi suất 0,25% vào tháng trước. Tuy nhiên, biên bản Fed cho biết, các thành viên vẫn lo ngại về việc làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã giảm bớt (Fed tin vào thời điểm đó). Tuy nhiên, diễn biến mới gần đây về vấn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mâu thuẫn với những quan niệm đó. Các thành viên FOMC một lần nữa đề cập đến tỷ lệ lạm phát toàn cầu rất thấp có thể gây rủi ro cho các nền kinh tế thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng, họ đã hoàn thành việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hàm ý sẽ không có thêm đợt giảm lãi suất nào nữa trong năm nay bất chấp chịu sức ép từ Tổng thống Trump.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones giảm 112,93 điểm (-0,40%), xuống 27.821,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,72 điểm (-0,38%), xuống 3.108,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 43,93 điểm (-0,51%), xuống 8.526,73 điểm.

Lo ngại thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ đổ bể cũng khiến chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 61,31 điểm (-0,84%), xuống 7.262,49 điểm. Chỉ số DAX giảm 62,98 điểm (-0,48%), xuống 13.158,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 15,01 điểm (-0,25%), xuống 5.894,03 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều đồng loạt chìm trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo lắng tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ bị đổ bể sau khi Washington thông qua sắc luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông, làm Bắc Kinh nổi giận.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 144,08 điểm (-0,62%), xuống 23.148,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,94 điểm (-0,78%), xuống 2.911,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 204,19 điểm (-0,75%), xuống 26.889,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 27,92 điểm (-1,30%), xuống 2.125,32 điểm.

Các thông tin mới công bố ít ảnh hưởng đến giá vàng. Giá vàng chỉ giằng co nhẹ trong phiên thứ Tư và kết thúc phiên ít thay đổi.

Kết thúc phiên 20/11, giá vàng giao ngay giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.471,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,1 USD (-0,01%), xuống 1.474,2 USD/ounce.

Giá dầu lại tăng vọt trong phiên thứ Tư lấy lại hết những gì đã mất trong phiên giảm mạnh trước đó nhờ thông tin hỗ trợ từ báo cáo hàng tồn kho của Mỹ tốt hơn dự kiến và Nga cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC để giữ cho thị trường dầu toàn cầu cân bằng.

Giá dầu lúc đầu tiếp tục giảm sau khi triển vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung bế tắc, nhưng sau đó đã đảo chiều tăng trở lại sau khi dữ liệu được Cơ quan Thông tin năng lương Mỹ (EIA) công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 1,4 triệu thùng, thấp hơn mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng của giới phân tích và mức tăng 6 triệu thùng theo báo cáo trước đó của Viện Dầu khí Mỹ (API).

Tuy nhiên, cũng theo EIA, lượng dầu thô dự trữ tại kho Cushing, Oklahoma giảm 2,3 triệu thùng, mức giảm lớn nhất trong 3 tháng.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ khi Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga sẽ hợp tác với OPEC theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 20/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,90 USD (+3,4%), lên 57,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,49 USD (+2,50%), lên 62,40 USD/thùng.

Tin bài liên quan