Máy bay “Made in China” có đủ sức đe dọa Boeing và Airbus?

Máy bay “Made in China” có đủ sức đe dọa Boeing và Airbus?

(ĐTCK) Tháng 5/2017 sẽ là dấu mốc mới của hàng không Trung Quốc khi loại máy bay C919 do quốc gia này sản xuất sẽ tiến hành bay thử. Đây liệu có là thách thức mới đối với 2 gã khổng lồ là Boeing và Airbus trên thị trường?

Tháng 11/2015 là thời gian đáng nhớ đối với ngành hàng không Trung Quốc. Đây là thời điểm nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Comac bắt đầu phân phối máy bay chở hành khách đầu tiên mang tên ARJ21, với 90 ghế ngồi. 

Tháng 5/2017 là dấu mốc tiếp theo khi Comac chuẩn bị thử nghiệm loại máy bay chở khách lớn hơn C919. Loại máy bay này sẽ cạnh tranh trực tiếp với Boeing Co và Airbus SE tại phân khúc được dự báo sẽ đóng góp khoảng hơn 500 tỷ USD doanh thu cho các nhà sản xuất này trong 20 năm tới, riêng tại thị trường Trung Quốc.

Máy bay mới có gì hot?

C919 có sức chưa 158 – 174 hành khách, với 6 hàng ghế. Đây là sản phẩm sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 dòng máy bay là Boeing 737 và Airbus A320, 2 loại máy bay cánh đơn phổ biến trên thị trường hàng không hiện nay. Comac mô tả sản phẩm của mình là “bông hoa của ngành công nghiệp hiện đại”.

Máy bay “Made in China” có đủ sức đe dọa Boeing và Airbus? ảnh 1

 Máy bay C919 của Comac

Khi nào sản phẩm tham gia thị trường?

Theo kế hoạch, C919 sẽ bắt đầu được phân phối sớm nhất vào năm 2019.

Chuyến bay thử nghiệm dự kiến diễn ra ngày 5/5 tới, so với kế hoạch gốc ban đầu vào cuối năm ngoái.

Trước đó, sản phẩm ARJ21 cần tới 6 năm kể từ khi bay thử tới khi được phân phối thương mại. Ban lãnh đạo Comac cho biết, C919 chắc chắn sẽ gia nhập thị trường trong khoảng thời gian nhanh hơn.

Boeing và Airbus có cần phải lo lắng?

Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Comac sẽ trở thành đối thủ trực tiếp ít nhất tại thị trường Trung Quốc. Đại lục dự kiến sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới tính cả về số lượng máy bay và hành khách. Quốc gia này sẽ cần thêm 6.810 máy bay, trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD cho tới năm 2035, theo ước tính của Boeing.

Chưa kể, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới, tính về số lượng hành khách vào năm 2024.

Tại sao C919 gây sự chú ý?

Máy bay cánh đơn hiện là phân khúc chiếm thị phần số 1 tại thị trường Trung Quốc. Phân khúc này được dự báo sẽ chiếm khoảng 535 tỷ USD, tương đương 75% doanh số bán máy bay trở hành khách tại Trung Quốc trong 2 thập kỷ tới, theo Boeing. Hiện tại, dòng sản phẩm máy bay cánh đơn chủ yếu do Boeing và Airbus cung cấp.

Máy bay “Made in China” có đủ sức đe dọa Boeing và Airbus? ảnh 2

 Nhu cầu máy bay cánh đơn của Trung Quốc có trị giá khoảng 535 tỷ USD

Đã có khách hàng đặt mua C919 chưa?

Comac đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng và có thỏa thuận mua hàng từ 23 khách hàng, với số lượng 570 chiếc máy bay vào tháng 11/2016. Ngoại trừ bộ phận chuyên cho thuê thiết bị của General Electric Co, tất cả các khách hàng khác đều là công ty Trung Quốc. Trong số đó, China Eastern Airlines Corp, hãng hàng không lớn thứ hai Đại lục, sẽ là khách hàng đầu tiên nhận sản phẩm này.

Các điều khoản của hợp đồng mua bán C919 hiện vẫn chưa được công bố.

Tại sao đến giờ Trung Quốc mới gia nhập thị trường này?

Trung Quốc đã cố gắng phát triển việc sản xuất máy bay chở hành khách kể từ năm 1970 với sản phẩm Y-10, tuy nhiên mọi chuyện không đi tới đâu sau các chuyến bay thử vào những năm 1980. Tiếp theo đó là MD-82, nhưng cũng gặp thất bại sau khi Boeing thâu tóm đối tác đồng sản xuất sản phẩm này là McDonnell Douglas.

Sau nhiều cố gắng, hiện Trung Quốc đang có tham vọng nâng cấp nền kinh tế sản xuất lên một trình độ mới, trong đó các các dự án sản phẩm như máy bay.

Tin bài liên quan