Dow Jones lại thiết lập đỉnh cao lịch sử mới - Ảnh: Reuters

Dow Jones lại thiết lập đỉnh cao lịch sử mới - Ảnh: Reuters

M&A và kết quả kinh doanh đưa Dow Jones lên đỉnh

(ĐTCK) Thông tin về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), cùng kết quả kinh doanh khả quan của các tập đoàn lớn giúp Phố Wall tăng trở lại và Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Twenty-First Century Fox cho biết, hãng đã đưa ra lời đề nghị 80 tỷ USD để mua lại Time Warner Inc, nhưng bị từ chối. Sau thông tin này, cổ phiếu của Warner Inc tăng 17,1%, lê 83,13 USD, trong khi cổ phiếu của Twenty-First Century Fox giảm 6,2%, xuống 33 USD.

Một thông tin tích cực khác hỗ trợ cho Phố Wall là Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận vượt dự báo, giúp cổ phiếu của hãng tăng 9,3%. eBay cũng công bố doanh thu tăng 13% trong quý vừa qua, giúp cổ phiếu tăng của hãng 1,8%.

Ngoài ra, cuộc đàm phán giữa IBM và Apple để thiết lập quan hệ đối tác giữa 2 hãng công nghệ lớn này cũng hỗ trợ cho Phố Wall.

Trong khi đó, General Electric Co đang đàm phán để bán lại mảng kinh doanh thiết bị gia dụng của mình với mức giá lớn hơn 2,5 tỷ USD, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, không phải tập đoàn nào cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Bank of America, ngân hàng lớn thứ 2 của Mỹ vừa công bố lợi nhuận quý II giảm 43% do doanh thu mảng thế chấp giảm và chi phí cho các vụ kiện tụng tăng.

Cổ phiếu Yahoo cũng giảm 5,1% sau khi công bố kết quả và triển vọng kinh doanh đáng thất vọng. Tuy nhiên, hãng này vẫn cam kết sẽ trả cho cổ đông ít nhất một nửa số tiền thu được từ đợt IPO khổng lồ của Alibaba Group Holding Ltd vào mùa Thu này.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Dow Jones tăng 77,52 điểm (+0,45%), lên 17.138,20 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,29 điểm (+0,42%), lên 1.981,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,58 điểm (+0,22%), lên 4.425,97 điểm.

Theo số liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 dự kiến tăng 4,8% trong quý II, thấp hơn mức dự báo đưa ra vào đầu tháng 4 là 8,4%, trong khi tăng trưởng doanh thu là 3,1%.

Chứng khoán châu Âu có phiên tăng điểm mạnh, thậm chí tốt hơn Phố Wall khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc công bố tốt hơn, dù rất ít so với dự báo. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính các châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm ngày khai khoáng. Vì vậy, khi dữ liệu kinh tế, đặc biệt là GDP quý II của Trung Quốc như dự báo, cổ phiếu các hãng khai khoáng châu Âu tăng mạnh, đẩy chứng khoán khu vực tăng mạnh. Ngoài ra, sự phục hồi tới 20% của cổ phiếu Banco Espirito Santo, ngân hàng niêm yết lớn nhất Bồ Đào Nha từ mức thấp kỷ lục hôm thứ Ba cũng hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 74,22 điểm (+1,11%), lên 6.784,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,86 điểm (+1,44%), lên 9.859,27 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 63,75 điểm (+1,48%), lên 4.369,06 điểm.

Thông tin quan trọng và được chờ đợi nhất là dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đã được công bố hôm thứ Tư. Cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý II của nước này tăng 7,5%, cao hơn mức dự báo 7,4% trước đó của giới phân tích. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp cũng phù hợp

với dự báo hoặc cao hơn một chút.

Tuy nhiên, trong khi chứng khoán châu Âu phản ứng tích cực với thông tin này, thì thị trường chứng khoán châu Á lại phản ứng khá yếu. Chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc giảm nhẹ do áp lực chốt lời, chỉ còn thị trường chứng khoán Hồng Kông duy trì sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 15,86 điểm (-0,10%) xuống 15.379,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 63,32 điểm (+0,27%), lên 23.523,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,08 điểm (-0,15%), xuống 2.067,28 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, thông tin được coi là có tác động mạnh đến thị trường vàng chính là phiên điều trần của Chủ tịch FED Janet Yellen trước Quốc hội Mỹ trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư. Trong phiên phiên điều trần thứ Tư, bà Yellen cho biết, FED có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường cả chứng khoán và vàng đều khá yếu trước thông tin này. Trước đó, trong phiên điều trần trước Thượng viên Mỹ hôm thứ Ba, những phát biểu của bà Yellen đã khiến Phố Wall rung lắc mạnh.

Sau phát biểu của bà Yellen hôm thứ Tư, đồng USD tiếp tục tăng mạnh so với các đồng tiền mạnh khác. Tưởng chừng điều này sẽ gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này tiếp tục giảm, tuy nhiên, giá vàng lại nhận được những thông tin hỗ trợ khác.

Lệnh ngừng bắn tại dải Gaza giữa Isreal và phong trào Hamas đã đổ vỡ chỉ sau 6 tiếng đồng hồ. Phía Israel cáo buộc Hamas phá bỏ lệnh ngừng bắn với việc phóng rocket vào lãnh thổ Israel trước, do đó, Tel Aviv đã mở rộng các đợt không kích vào dải Gaza và ra lệnh cho người dân khu vực này sơ tán trước 5 giờ (giờ GMT). Với tình hình này, xung đột tại dải Gaza có thể sẽ lan rộng và kéo dài. Đây chính là 1 trong 4 mồi lửa, mà giới phân tích cho biết nếu bùng chảy sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Chính nhờ thông tin hỗ trợ này, cùng với nỗ lo về nợ công khu vực Liên minh châu Âu khi sức khỏe của ngân hàng niêm yết lớn nhất Bồ Đào Nha Banco Espirito Santo vẫn chưa chấm dứt đã giúp vàng hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 16/7, giá vàng giao ngay tăng 6,2 USD (+0,48%), lên 1.299,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2,7 USD (+0,21%), lên 1.299,8 USD/ounce.

Sau khi sụt giảm, giá dầu thô Mỹ đã phục hồi mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi Mỹ công bố số liệu cho thấy có sự sụt giảm mạnh trong dự trữ dầu thô tuần trước. Trong khi đó, khôgn có thông tin hỗ trợ, giá dầu thô Brent tiếp tục giảm và mất mốc 106 USD.

Kết thúc phiên 16/7, giá dầu thô Mỹ tăng 1,24 USD (+1,23%), lên 101,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,16%), xuống 105,85 USD/thùng.

Tin bài liên quan