Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc họp về thương mại với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (ngoài cùng bên trái) tại Nhà Trắng hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc họp về thương mại với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (ngoài cùng bên trái) tại Nhà Trắng hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP.

Lý do đồng minh không ủng hộ Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Ngoài quan hệ đồng minh với Mỹ, các nước cũng có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và không muốn mất lòng bên nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một lãnh đạo bị coi là có xu hướng cực hữu đến mức các tổng thống tiền nhiệm Mỹ George W. Bush và Barack Obama đã từ chối gặp ông tại Nhà Trắng.

Giữa lúc cuộc chiến áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khiến chỉ số Dow Jones cùng ngày lao dốc hơn 600 điểm, cuộc nghênh đón Thủ tướng Hungary diễn ra có lẽ vì mục đích tìm kiếm một đồng minh trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh hơn là để bày tỏ những lo ngại từ chính quyền Trump về các chính sách của Orban.

Nhưng dù có nhiều nét tương đồng về phương diện cá nhân, Thủ tướng Orban vẫn có khả năng gây thất vọng cho Tổng thống Trump về vấn đề Trung Quốc bởi dưới thời ông, Hungary những năm gần đây ngày càng xích lại gần Trung Quốc.

Orban mở cửa đất nước chào đón tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei và là lãnh đạo đầu tiên ở Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một chương trình đầu tư hạ tầng quốc tế khổng lồ thường xuyên bị Washington chỉ trích là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua "bẫy nợ".

Tháng trước, Orban đến Bắc Kinh dự Diễn đàn Vành đai và Con đường và tại đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời ông tuyên bố BRI là "cơ hội, không phải mối đe dọa".

Trong lúc cơn bão chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, hầu hết giới chuyên gia đều nhận định rằng Washington có khả năng gây tổn thương đối với nền kinh tế Trung Quốc ở mức lớn hơn nhiều so với mức mà Trung Quốc có thể trả đũa nền kinh tế Mỹ.

Dù vậy, Thủ tướng Orban dường như chọn phương án giữ thái độ trung lập, dù ông là người sớm ủng hộ Trump trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Ông cũng đồng tình với Trump về nhiều vấn đề gây tranh cãi, từ nhập cư cho đến tôn giáo...

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đón tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Nhà Trắng hôm 13/5. Ảnh: AP.

Trên thực tế, Hungary không phải đồng minh duy nhất tìm cách tránh đứng về bất cứ bên nào trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Người Mỹ lo lắng trước cú lao dốc của thị trường chứng khoán hồi đầu tuần này, nhưng với các nước không có sức mạnh kinh tế như Mỹ, nỗi lo đó càng lớn hơn.

Một số đồng minh của Mỹ không đồng ý từ bỏ các mối liên kết kinh tế với Trung Quốc mà họ đã thiết lập trong những năm qua. Huawei, hãng viễn thông khiến Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hungary, là một ví dụ hoàn hảo minh chứng cho điều này.

Washington liên tục cảnh báo các rủi ro an ninh từ Huawei nhưng công nghệ giá rẻ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc vẫn được triển khai ở nhiều nước đồng minh với Mỹ.

Quyết định loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi mạng 5G sẽ dẫn đến chi phí tăng lên đáng kể đối với nhiều nước đồng minh, trong khi Mỹ không hỗ trợ gì nhiều để bù đắp thiệt hại cho họ.

Ngoài ra, các đồng minh cũng hứng một số thiệt hại nghiêm trọng ngoài dự kiến vì cuộc chiến áp thuế của Trump. Một số đòn thuế Mỹ nhằm vào Bắc Kinh, ví dụ thuế nhập khẩu sắt và nhôm, dựa trên lý do "an ninh quốc gia", cũng gây thiệt hại lớn cho các đồng minh.

Thay vì tập hợp đồng minh cùng chống lại Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, các hành động trừng phạt thương mại đơn phương của Trump đang trừng phạt cả những đồng minh này.

Nếu chiến tranh thương mại leo thang, họ có thể mắc kẹt giữa Washington và Bắc Kinh. Canada đã thấm thía trải nghiệm đắng cay sau khi bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu từ Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái.

Canada không chỉ bị Trung Quốc trả đũa kinh tế, hai công dân nước này là Michael Kovrig và Michael Spavor cũng đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt từ cuối năm ngoái với tội danh được công bố hôm 16/5 là thu thập và đánh cắp bí mật nhà nước.

Chính quyền Donald Trump có xu hướng cứng rắn về lập trường thương mại và chính sách ngoại giao.

Ngôn ngữ bài ngoại quá mức chống Trung Quốc của những cố vấn thân cận với Trump nhiều khả năng đã đẩy một số đồng minh ra xa, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang tiến đến bờ vực xung đột với Iran, Venezuela và Triều Tiên.

Lý do đồng minh không ủng hộ Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc ảnh 2

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Cách đây một tuần, cả thế giới chờ đợi Trump, một người yêu thích ký các thỏa thuận, chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Nhưng điều đó đã không xảy ra và giờ đây chiến tranh thương mại đang quay trở lại với cường độ lớn hơn bao giờ hết.

Động thái quay ngoặt 180 độ của Trump dường như xuất phát từ việc Trung Quốc cố tình kéo chậm tiến trình đàm phán bằng cách rút lại hầu hết các cam kết quan trọng đã đưa ra trước đó, theo cáo buộc của Mỹ.

Song một số chuyên gia tin rằng hành động của Trump nhằm hướng đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 bởi theo ông, Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử.

Một số nhà quan sát cho rằng nếu Trump nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi nền kinh tế Mỹ bị tác động mạnh, mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington có thể cải thiện nhưng các đồng minh nhỏ hơn của Mỹ vẫn có nguy cơ đối diện với nguy hiểm.

Còn nếu Trump duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ông vẫn có khả năng thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Khi đó, các đồng minh chưa rõ ai sẽ thay thế ông và chính sách với Trung Quốc của họ sẽ như thế nào.

Tình trạng khó đoán này có thể giúp ích Mỹ trong các cuộc đàm phán song phương cứng rắn với Trung Quốc nhưng không giúp củng cố các mối quan hệ với đồng minh.

Trước bối cảnh như vậy, sẽ không bất ngờ nếu các đồng minh yếu thế hơn của Mỹ chọn cách đứng ngoài cuộc chiến tranh thương mại.

Trong bài viết đăng trên tờ New York Times vào cuối tuần trước, cây bút Neil Irwin lưy ý rằng "hệ thống thương mại thế giới rẽ đôi đã tạo ra sự cấp bách mới trong việc duy trì các phương án quan hệ với cả hai bên Mỹ và Trung Quốc".

Đối với những nước nhỏ, "mong manh và dễ tổn thương" như Hungary, theo lời mô tả của Thủ tướng Orban, phương án tốt nhất có lẽ là không ngả về bên nào, thay vào đó chờ xem mình sẽ khai thác được gì từ cả hai phía trong cuộc chiến.

Chính sách đặt Hungary lên trên hết này đi ngược với các lợi ích của Mỹ nhưng Trump khó lòng chỉ trích Thủ tướng Orban. Ngay chính Trump dường như cũng đánh giá cao thái độ cùng sự táo bạo ở Orban.

Thủ tướng Hungary "có lẽ giống như tôi, có chút gây tranh cãi nhưng điều này không sao cả", Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 13/5.

Tin bài liên quan