Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Lực mua lớn nhất trên thị trường chứng khoán “biến mất”

(ĐTCK) Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu bị bao trùm bởi bóng mây từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, lại có thêm một lý do nữa khiến giới đầu tư lo ngại: Sức mua mạnh nhất trên thị trường thời gian qua chuẩn bị biến mất.

Mặc dù chao đảo trong thời gian gần đây, nhưng thực tế, các thị trường chứng khoán đã trải qua đà leo dốc tích cực kể từ khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng năm 2007 - 2008. Các thành viên thị trường nhận định, nguyên nhân chính là sự phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, các chính sách nới lỏng và hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ… Tuy nhiên, có một động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng của chỉ số nhưng ít được các thành viên thị trường chú ý tới. Ðó là việc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.

Mua lại cổ phiếu (share buyback) là việc công ty mua lại cổ phiếu do chính công ty đó đã phát hành. Việc mua lại cổ phiếu phát đi tín hiệu rằng, ban điều hành tin tưởng giá cổ phiếu của công ty đang giao dịch dưới giá trị thực và họ lạc quan về triển vọng của công ty trong tương lai, hoặc mục tiêu chỉ là mua lại nhằm nâng đỡ giá cổ phiếu, ngay cả trong giai đoạn khó khăn.

Lực mua lớn nhất trên thị trường chứng khoán “biến mất” ảnh 1

Các nguồn mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán 5 năm qua.

Thực tế, trong quá khứ, đây là một trong những lực mua lớn giúp thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, năm 1994, chỉ số S&P Buyback, theo dõi 100 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 có tỷ lệ mua lại cổ phiếu cao nhất đã tăng hơn 175% so với đà tăng của chỉ số S&P 500. Tính trung bình thường niên, S&P Buyback cũng thường tăng trưởng cao hơn 4% so với S&P 500, theo số liệu tổng hợp bởi INTL FCStone.

Ðáng chú ý nhất, theo tính toán của INTL FCStone, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp đã chi 3,7 nghìn tỷ USD để mua lại cổ phiếu trên thị trường, khiến đây là lực mua lớn nhất so với các nguồn mua cổ phiếu khác.

Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do để tin rằng, động lực lớn đối với đà tăng của thị trường chứng khoán này sẽ sớm “biến mất”. Vincent Deluard, chiến lược gia tại INTL FCStone cho biết, số liệu lịch sử và các nghiên cứu chỉ rõ, hoạt động mua lại cổ phiếu phát triển nhất trong giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, doanh nghiệp thu về lợi nhuận tốt và nền kinh tế tăng trưởng.

Hiện tại, cả 3 yếu tố này đều nhạt nhòa, thậm chí đảo ngược theo chiều hướng tiêu cực. Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp, tạo thêm áp lực đi xuống đối với thị trường chứng khoán. Thực tế, vấn đề này đã bắt đầu xảy ra, tạo mối lo ngại thị trường chứng khoán lao dốc trong thời gian tới.

“Hoạt động mua lại cổ phiếu mang tính chu kỳ: Khi các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, việc mua lại cổ phiếu diễn ra. Tới thời điểm tăng trưởng kinh tế đi xuống, thanh khoản giảm sút, hoạt động này sẽ dừng lại. Chẳng hạn, năm 2009, sau khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, hoạt động mua lại cổ phiếu đã giảm hơn 80% so với năm trước đó”, Deluard cho biết.

Theo giới quan sát, việc mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn đã có dấu hiệu chậm lại kể từ năm 2015, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu quá trình nâng lãi suất. Hiện tại, việc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ khiến việc mua lại cổ phiếu “biến mất”.

Tin bài liên quan