Ảnh AFP

Ảnh AFP

Lo sợ về đợt bùng phát dịch mới, giới đầu tư xả hàng mạnh

(ĐTCK) Nỗi lo về đợt bùng phát dịch mới khi các nơi mở cửa nền kinh tế trở lại khiến giới đầu tư cảm thấy bất an, đẩy mạnh bán ra trong cuối phiên thứ Ba (12/5).

Lình xình trong suốt phiên sáng và đầu phiên chiều, nhưng phố Wall đã đồng loạt lao dốc vào cuối phiên do lệnh bán tháo diễn ra mạnh khi giới chuyên gia cảnh báo về đợt bùng phát dịch thứ 2 do việc mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm.

Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói với Quốc hội rằng, virus đã giết chết hơn 80.000 người Mỹ, vẫn chưa được kiểm soát và có khả năng sẽ không có thuốc điều trị hoặc vắc-xin vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rủi ro về việc sẽ kích hoạt một ổ dịch mới không thể kiểm soát khi mở cửa nền kinh tế quá sớm.

Báo cáo về số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức càng củng cố thêm cảnh báo trên.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, do nhu cầu xăng dầu và dịch vụ giảm mạnh bao gồm cả việc đi máy bay khi mọi người ở nhà trong cuộc khủng hoảng coronavirus.

Tuy nhiên, giá thực phẩm tiêu thụ tại nhà đã tăng 2,6% trong đợt tăng lớn nhất kể từ tháng 2 năm 1974, khiến một số nhà đầu tư lo lắng về triển vọng của tình trạng lạm phát, nếu người tiêu dùng không thể theo kịp mức tăng giá.

Dữ liệu khác cũng cho thấy, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 4 đạt mức kỷ lục 738 tỷ USD.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones giảm 457,21 điểm (-1,89%), xuống 23.764,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 60,20 điểm (-2,05%), xuống 2.870,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 189,79 điểm (-2,06%), xuống 9.002,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu lại hãm đà rơi, thậm chí chứng khoán Anh tăng điểm tốt nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Vodafone khi hãng viễn thông này duy trì cổ tức, cùng nhóm cổ phiếu phòng thủ được quan tâm.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,04 điểm (+0,93%), lên 5.994,77 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 5,49 điểm (-0,05%), xuống 10.819,50 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 17,71 điểm (-0,39%), xuống 4.472,50 điểm.

Lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ 2 cũng khiến chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 24,18 điểm (-0,12%), xuống 20.366,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,25 điểm (-0,11%), xuống 2.891,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 356,38 điểm (-1,45%), xuống 24.245,68 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 13,23 điểm (-0,68%), xuống 1.922,17 điểm.

Nỗi lo về đợt bùng phát dịch thứ 2, cùng với những kỳ vọng về việc kinh tế mở cửa trở lại lắng xuống giúp vai trò trú ẩn an toàn của vàng tăng lên, qua đó giúp giá kim loại quý này hồi phục nhẹ trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/5, giá vàng giao tăng 4,5 USD (+0,27%), lên 1.701,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8,8 USD (+0,52%), lên 1.706,8 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau khi điều chỉnh trong phiên cuối tuần, giá dầu thô đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Ba với thông tin Ả Rập Xê út cắt giảm sản lượng mạnh hơn thỏa thuận trong OPEC+.

Kết thúc phiên 12/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,66 USD (+6,88%), lên 25,8 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,4 USD (+1,35%), lên 30,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan