Bruno Lafont

Bruno Lafont

Ló dạng Lafarage đại gia số 1 trong làng xi măng thế giới

(ĐTCK) Đầu tuần này (ngày 7/4/2014), hai tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ nhất và thứ hai thế giới là Holcim của Thụy Sĩ và Lafarge của Pháp đã chính thức xác nhận việc đạt được thỏa thuận sáp nhập, để hình thành ra tập đoàn xi măng lớn nhất thế giới.

Tập đoàn mới sẽ có tên là LafargeHolcim, có trụ sở chính tại Jona, gần Zurich (Thuỵ Sĩ), có tổng cộng 136.000 nhân viên hoạt động tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên giấy tờ, LafargeHolcim có doanh thu hàng năm 32 tỷ euro (tương đương 44 tỷ USD, số liệu năm 2013). Đây là vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng thế giới. Không chỉ sản xuất xi măng, LafargeHolcim còn cung cấp nhiều loại vật liệu xây dựng khác, như cát, sỏi… phục vụ cho thi công các công trình xây dựng, giao thông… Cổ phiếu của LafargeHolcim sẽ được niêm yết trên cả 2 thị trường chứng khoán Paris (Pháp) và Zurich.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, đây là thương vụ M&A khá thuận về mặt nội bộ và bình đẳng trên nhiều phương diện. Trước hết, một cổ phần của Holcim tương đương với một cổ phần của Lafarge. Tiếp đến, ghế lãnh đạo cũng được chia đều cho cả hai bên. Theo thoả thuận, ông , 57 tuổi, quốc tịch Pháp, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Lafarge sẽ là CEO của LafargeHolcim, trong khi chức Chủ tịch thuộc về ông Wolfgang Reitzle, quốc tịch Đức, thành viên Ban giám đốc Holcim. Ban giám đốc của LafargeHolcim sẽ gồm 14 thành viên, chia đều cho cả bên (mỗi bên có 7 đại diện).

Hơn nữa, các cổ đông lớn của cả Holcim lẫn Lafarge đều rất ủng hộ cho cuộc “xe duyên” này. Cụ thể, tỷ phú Thomas Schmiheiny (Thuỵ Sỹ) sở hữu 20% cổ phần của Lafarge; tỷ phú Ai Cập Nassef Sawiris nắm 13,2% cổ phần của Lafarge, cũng như Albert Frere của Bỉ sở hữu 21% cổ phần của Holcim; tỷ phú Nga Filaret Galchev, Chủ tịch Eurocement Group, công ty sản xuất xi măng lớn nhất Nga có 10% cổ phần của Holcim… đều mong muốn vụ M&A sớm thành công.

Ông Bruno Lafont nhận xét, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý (dự kiến trong quý I/2015), LafargeHolcim sẽ tiết kiệm chi phí 1,9 tỷ USD/năm. Do Lafarge đang hoạt động mạnh ở thị trường châu Phi và Trung Đông, trong khi địa bàn hoạt động chính của Holcim là các nước châu Mỹ La-tinh và châu Á, nên khi ở chung, 2 công ty sẽ bổ sung đắc lực cho nhau.

Còn ở những thị trường mà hai bên cùng có sự hiện diện, thì sẽ quy về một mối, những tài sản thừa (ước vào khoảng 5 tỷ USD) sẽ được bán đi. Hiện Holcim hoạt động tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn Lafarge hiện diện tại 64 nước. Tại Việt Nam, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam (là thành viên của  Holcim) hiện có 4 nhà máy, 12 trạm trộn bê tông hiện đại và mạng lưới phân phối rộng khắp.

Phản ứng của giới đầu tư quốc tế cũng khá thuận với vụ M&A này. Ngay trong phiên giao dịch ngày 8/4, tại Sở Giao dịch chứng khoán Zurich, giá cổ phiếu của Holcim đã tăng 5,24%, lên 84,40 franc Thuỵ Sĩ/cổ phiếu và tại Paris, giá cổ phiếu Lafarge cũng tăng 4,57%, lên 67,02 euro/cổ phiếu. Nhìn chung, giá cổ phiếu của cả Holcim lẫn Lafarge đều ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, do quy mô của LafargeHolcim vào dạng “khủng”, vượt rất xa Heidelberg Cement, tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ 3 thế giới của Đức (doanh thu năm 2013 là hơn 18 tỷ USD, chưa bằng một nửa của LafargeHolcim), Cemex SA của Mexico (doanh thu cũng chỉ hơn 15 tỷ USD) và ở nhiều nước, LafargeHolcim lại nắm thị phần chi phối, nên chắc chắn sẽ bị các cơ quan chống độc quyền của EU và các nước liên quan “soi” rất kỹ. 

Cụ thể, tại 15 thị trường (mà toàn là các nước phát triển như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Canada…), LafargeHolcim sẽ là số 1. Chẳng hạn, LafargeHolcim sẽ nắm tới 60% thị phần xi măng ở Pháp, Canada, Morocco; gần 30% ở Mỹ…

Chính vì vậy, giới phân tích và nhiều luật sư cho rằng, để được các cơ quan quản lý tại các thị trường trên phê duyệt, LafargeHolcim sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề về mặt pháp luật. Holcim và Lafarge có thể phải bán các đơn vị đang hoạt động chồng chéo, để nhận được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Trọng trách chính sẽ đặt lên vai bộ máy lãnh đạo của LafargeHolcim, trước hết là ông Bruno Lafont. Ông này đã có hơn 30 năm làm việc cho Lafarge, nên rất am hiểu lĩnh vực xi măng cũng như các thủ tục pháp lý, hơn nữa lại có quan hệ khá mật thiết với chính quyền của nhiều nước.

Ông hiện là cố vấn cao cấp cho Thị trưởng TP. Trùng Khánh, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Nhìn chung, vụ M&A này còn gặp gian truân về mặt pháp lý, song đối tượng hưởng lợi đầu tiên là 4 ngân hàng đầu tư, gồm Morgan Stanley và Goldman Sachs tư vấn cho Lafarge; Rothschild và Zaoui & Co. tư vấn cho Holcim đã  cùng chia nhau khoản tiền phí dịch vụ gần 100 triệu USD.         

Tin bài liên quan