Giới đầu tư vẫn còn nghi ngờ về sự thành công của liên minh dầu mỏ Ả Rập Xê út - Nga

Giới đầu tư vẫn còn nghi ngờ về sự thành công của liên minh dầu mỏ Ả Rập Xê út - Nga

Liên minh dầu mỏ Ả Rập Xê út và Nga chỉ là “liều thuốc tạm thời”

(ĐTCK) Liên minh dầu mỏ giữa Ả Rập Xê út và Nga từng được coi là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn trong tình trạng dư thừa trước sự hồi sinh của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, một liên minh như vậy có thể hình thành, dù vấp phải không ít rào cản kỹ thuật.

Hai nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt thế giới này đã gặp nhau trong cuộc họp tại Vienna (Áo) cuối tuần trước, giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất hàng đầu khác ngoài khối.

Cuộc họp ghi nhận kết quả đáng tích cực, khi OPEC và các đồng minh đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 9 tháng, kéo dài đến hết tháng 3/2018.

Ả Rập Xê út và Nga cùng khẳng định, hai nước sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực chung cho quá trình tái cân bằng thị trường dầu mỏ ngay cả sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hết hạn.

Tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid al Falih và người đồng cấp Nga Alexander Novak ám chỉ điều hai nước thực sự muốn hướng đến là một thỏa thuận và sự hợp tác mới trong ngắn hạn giữa Riyadh và Moskva nhằm giải quyết nguy cơ giá dầu đổ vỡ.

Chuyên gia Helima Croft thuộc RBC Capital Markets nhận định: “Ả Rập Xê út và Nga đã cho thấy sự sẵn sàng hợp tác trong hoạt động cắt giảm sản lượng, qua đó phát đi những tín hiệu rõ ràng về khả năng họ sẽ không theo đuổi ưu tiên giành thị phần dầu mỏ nữa. Điều này là sự thay đổi bước ngoặt so với 2 năm trước, khi Nga luôn tỏ ý không muốn hợp tác với OPEC, thậm chí đặt nghi vấn về sự liên quan của kỷ nguyên dầu đá phiến”.

Trên thực tế, thỏa thuận cắt giảm sản lượng ban đầu đạt được hồi tháng 11/2016 giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác ngoài khối chỉ là “liều thuốc tạm thời” để ngăn chặn đà suy giảm của thị trường dầu mỏ và cứu vãn nguy cơ giá dầu tụt dốc sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, kể từ các đợt cắt giảm sản lượng được thực thi, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã chứng minh khả năng hồi sinh đáng kinh ngạc và vẫn có thể sống sót trong môi trường giá dầu quanh ngưỡng 50 USD/thùng, thông qua biện pháp cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và tăng cường sản lượng. 

Theo số liệu thống kê, các công ty dầu mỏ của Mỹ có thể bổ sung thêm khoảng 1% lượng dầu mỏ cho nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong năm 2018, một con số được coi là rất lớn đối với cán cân cung cầu trên thị trường thế giới.

Jamie Webster, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, liên minh Ả Rập Xê út và Nga phản ánh nhu cầu tồn tại trong kỷ nguyên dầu đá phiến.

“Trong bối cảnh bạn đã thất bại trong cuộc chiến giành thị phần, thì bạn buộc phải cố gắng thích ứng với tình hình mới và khôi phục tăng trưởng trở lại. Liên minh Ả Rập Xê út và Nga chắc chắn không thừa nhận dầu đá phiến đã trở thành ‘vị vua mới’ và họ sẽ tìm mọi cách để OPEC duy trì sức mạnh tái cân bằng thị trường”, ông Webster nói.

Bên cạnh đó, Ả Rập Xê út và Nga có khá nhiều điểm chung. Ả Rập Xê út đang theo đuổi quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế và đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco (dự kiến diễn ra năm 2018) không nhằm ngoài mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong tương lai.

Về phần mình, Nga cũng đang tìm kiếm sự ổn định kinh tế và xã hội trước thềm cuộc bầu cử quan trọng diễn ra vào tháng 3 năm sau.

Đối với giới giao dịch dầu mỏ, không ít người còn nghi ngờ về sự thành công của liên minh dầu mỏ giữa Ả Rập Xê út và Nga, đặc biệt trong khả năng duy trì sự ổn định giá dầu trên ngưỡng 50 USD/thùng.

Họ coi Nga là một cơ hội, song việc Moskva có sẵn sàng gặt gái lợi ích khi giá dầu cao hơn và tiếp tục mở rộng chính ngành năng lượng của mình vẫn là câu hỏi ngỏ.

Giới đầu tư cho rằng, OPEC và đồng minh đang đánh giá thấp sự tăng trưởng của dầu đá phiến. Bên cạnh đó, điều họ lo ngại nhất là sau thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC hết hiệu lực, liệu thị trường có tái diễn tình trạng dư cung “khủng” như trước đó hay không?

Tin bài liên quan