Lần thứ tư vào Việt Nam, hướng đi nào dành cho AirAsia?

Lần thứ tư vào Việt Nam, hướng đi nào dành cho AirAsia?

(ĐTCK) AirAsia, hãng hàng không chi phí thấp Malaysia mới đây công bố thông tin ký thỏa thuận với Gumin và Hải Âu để thành lập hãng hàng không mới, dự kiến cất cách từ đầu năm sau. Thực ra, đây không phải lần đầu tiên AirAsia thành lập liên doanh để hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trong lần thứ tư tham gia cung cấp các đường bay nội địa tại Việt Nam, AirAsia sẽ góp 30% vốn cổ phần của liên doanh trị giá khoảng 44 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng), 70% còn lại do Công ty TNHH Gumin của doanh nhân Trần Trọng Kiên nắm.

Lần gần đây nhất, năm 2010, AirAsia đã mua 30% cổ phần của Vietjet Air, mong muốn những chuyến bay đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Vietjet AirAsia sẽ cất cánh trong tháng 7 hay 8/2010. Tuy nhiên, cuối cùng cuộc “hôn nhân” đã thất bại, không chỉ vì cơ quan quản lý không cho phép sử dụng tên ghép Vietjet AirAsia, mà còn những lý do nội bộ, mà lãnh đạo 2 bên thời điểm đó khi chia sẻ đã không đề cập chi tiết.

Hai lần “chạm ngõ” thị trường hàng không Việt Nam trước đó của AirAsia, một là thương vụ tham gia góp vốn vào Jetstar Pacific, một là thành lập hãng hàng không mới với Vinashin, đều thất bại.

Với tham vọng trở thành hãng hàng không khu vực, AirAsia đã hợp tác xây dựng rất nhiều liên doanh hàng không tại châu Á, từ Thái Lan, Philippines, Indonesia đến Ấn Độ, Nhật Bản… Tại Thái Lan, AirAsia hiện nay là hãng hàng không giữ thị phần nội địa lớn nhất với 29,5% tổng lượng khách chuyên chở năm 2016. Tuy nhiên, câu chuyện liên doanh của AirAsia ở những nước khác chẳng hề ngọt ngào như ở Thái Lan.

Tại Nhật Bản, AirAsia đã cùng với All Nippon Airways (ANA) thành lập liên doanh năm 2012. Nhưng chỉ 1 năm sau khi bay chuyến đầu tiên, liên doanh này sụp đổ với lý do được đưa ra là do khác biệt trong phong cách quản lý. Tháng 6/2013, AirAsia tuyên bố rút khỏi AirAsia Japan, ANA trở thành sở hữu duy nhất của hãng hàng không AirAsia Japan và quyết định đổi tên thành Vanilla Air, trả lại toàn bộ máy bay cho AirAsia.

Đến tháng 7/2014, AirAsia một lần nữa tìm đường quay lại Nhật Bản khi lập liên doanh hàng không mới với 4 đối tác Nhật Bản khác, bao gồm hãng du lịch Rakuten (18% cổ phần), một công ty cho thuê máy bay, sản xuất đồ uống tăng lực, mỹ phẩm Noevir Holdings (9% cổ phần), hãng thời trang thể thao  Alpen (5%) và quỹ đầu tư  Octave Nhật Bản (19% cổ phần) để một lần nữa thành lập AirAsia Japan. Trong liên doanh này AirAsia nắm 49% cổ phần. Hãng hàng không AirAsia Japan mới dự kiến hoạt động từ mùa hè năm 2015 nhưng đến tháng 10/2015 mới nhận được giấy phép để bắt đầu hoạt động.

Tại Indonesia, “đứa con" Indonesia AirAsia cũng hoạt động vất vả. Quý III/2015, Indonesia AirAsia là nguyên nhân chính khiến AirAsia ghi nhận lỗ 95,9 triệu USD, khi liên doanh hàng không chi phí thấp tại Indonesia ghi nhận doanh thu giảm tới 14%. Lý do được lãnh đạo AirAsia lý giải là do các quy định mới của chính phủ nước này đối với hoạt động hàng không.

Tại Ấn Độ, liên doanh của AirAsia với Tập đoàn Tata là AirAsia India cũng gặp khó khăn với những quy định về quản lý hàng không của Chính phủ Ấn Độ, trong đó buộc các hãng phải có tối thiểu 20 máy bay thì mới được khai thác các chuyến bay quốc tế. Hơn nữa, thương quyền bay giữa Malaysia và Ấn Độ cũng không còn cho AirAsia vì đã dành hết cho Malaysia Airlines và Malindo Air.

Tại nhiều thị trường, các quy định khá chặt về hàng không, cộng với quy định về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài luôn là hạn chế cho các hãng hàng không khi gia nhập thị trường và AirAsia không là ngoại lệ. Các thị trường mà hãng bay này gặp khó khăn như Ấn Độ và Indonesia còn có độ mở còn tốt hơn tại Việt Nam, thế nên câu hỏi về kế hoạch bay tại Việt Nam sẽ vẫn còn để ngỏ!

Cách mà liên doanh ThaiAirAsia thành công ở Thái Lan có thể là kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh yếu tố thành công là nhờ thời điểm ThaiAirAsia ra đời thì Thái Lan mới có duy nhất một hãng hàng không chi phí thấp Nok Air, một hãng có thị phần khá nhỏ và chưa gặt được thành công.

Bối cảnh này khá tương tự Việt Nam, nơi mà chỉ có Vietjet là hãng hàng không chi phí thấp, nhưng vấn đề là Vietjet không phải là Nok Air. Hãng hàng không được điều hành bởi tỷ phú nữ tự thân đầu tiên Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đang sở hữu một thị phần bay nội địa rất lớn và là hãng hãng không có hiệu quả hoạt động rất tốt.

Với lần thứ tư quay trở lại của Air Asia cho thấy sức hấp dẫn của thị trường hàng không Việt Nam, tiềm năng nhưng độ cạnh tranh cũng rất lớn. Hiện Việt Nam chỉ có 4 hãng được cấp giấy phép vận chuyển hàng không thường lệ là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco. Ngoài ra, 2 hãng hàng không là SkyViet và Vietstar từng có thông tin về nộp hồ sơ xin cấp phép từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa có công bố mới.

Tin bài liên quan