Các công ty nước ngoài đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Các công ty nước ngoài đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Làn sóng công ty rời Trung Quốc: Chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như sắp đi đến hồi kết, song các công ty nước ngoài vẫn đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển sang các thị trường khác. 

Dù cho Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận như thế nào sau cuộc chiến thương mại kéo dài suốt nhiều tháng, Tổng thống Trump vẫn giành được một chiến thắng lớn: Đó là các công ty đang suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như sắp đi đến hồi kết khi Tổng thống Trump ngày 4/4 tuyên bố hai nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trong vài tuần tới và ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy vậy, do sức ép từ hàng rào thuế quan và căng thẳng thương mại, các công ty toàn cầu đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng của họ rời khỏi Trung Quốc, đúng như mong muốn của một số quan chức trong chính quyền Trump.

Việc tách khỏi thị trường Trung Quốc là mục tiêu chính của những ai tin rằng thế giới đang ngày càng giảm bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh với vai trò như một công xưởng sản xuất khổng lồ. Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, một số quan chức lo ngại rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào các công ty Trung Quốc càng khiến Washington trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Hiện tại, các công ty hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp đang cắt giảm mối liên kết với Trung Quốc. GoPro, hãng sản xuất camera di động, và Universal Electronics, hãng sản xuất thiết bị cảm biến và điều khiển từ xa, đang chuyển một số hoạt động sang Mexico.

Trong khi đó, Hasbro đang chuyển dây chuyền sản xuất đồ chơi sang Mỹ, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ. Aten International, một công ty thiết bị máy tính Đài Loan, đã quay lại hoạt động tại thị trường Đài Loan. Danfoss, một tập đoàn của Đan Mạch, đang chuyển hoạt động sản xuất thiết bị sưởi ấm và thủy lực sang Mỹ.

Theo giám đốc điều hành của các công ty, cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy họ đánh giá lại Trung Quốc với vai trò là trung tâm sản xuất của thế giới. Thậm chí ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng ra nước ngoài, mặc dù họ vẫn duy trì phần lớn hoạt động tại Trung Quốc.

“Trung Quốc từng là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi. Đó là lý do các công ty Trung Quốc đang thoát ra khỏi Trung Quốc”, Song Zhiping, bí thư chi bộ tại Tập đoàn Vật liệu Xây dựng Quốc gia Trung Quốc, một tập đoàn nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, cho biết.

Trung Quốc đã “thống trị” thị trường toàn cầu đối với một số mặt hàng như pin năng lượng mặt trời và nổi lên là nhà sản xuất lớn nhất các sản phẩm như xe ô tô, phụ tùng xe ô tô và nhiều sản phẩm phức tạp khác. Nước này cũng lên kế hoạch sản xuất máy bay, các con chip máy tính hiện đại, ô tô điện và nhiều sản phẩm của tương lai.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP).

Bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể áp đặt thuế quan mới của Washington lên các mặt hàng như ô tô, phụ tùng máy bay, thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân hay những mặt hàng mà giới chức Mỹ cho là quan trọng vì lý do an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, xét trên phương diện rộng hơn, những quan chức Mỹ với lập trường cứng rắn về thương mại hy vọng các công ty sẽ tìm đến những đất nước thân thiện hơn ngoài Trung Quốc để thiết lập hoạt động kinh doanh.

Trung Quốc nổi lên như một cường quốc trong ngành sản xuất hơn 20 năm qua. Tại đây có lực lượng lao động giá rẻ và tay nghề tương đối cao. Các nhà thầu phụ rất nhiều, đồng nghĩa với việc các công ty có thể đàm phán để giành được chi phí thấp hơn. Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới đường cao tốc và tàu hỏa dày đặc. Ngoài ra, Trung Quốc có nền tảng người tiêu dùng nội địa ngày càng đông, cho phép các công ty không cần phải đi quá xa để bán các sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, mức thu nhập và các chi phí khác tại Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều công ty nước ngoài than phiền rằng chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn quá nhiều cho các công ty nội địa, vốn được xem là đối thủ của họ, và không hành động mạnh tay để ngăn chặn tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ.

“Quy mô tổng thể của lực lượng lao động giảm sút, chi phí lao động tăng lên và chúng ta đang mất lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chi phí thấp”, ông Miao Wei, bộ trưởng công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc.

Ông Wei cho rằng Trung Quốc nên tập trung vào các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ cao trong khi các quan chức nước này cũng tỏ ra thận trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển chững lại, sự dịch chuyển đột ngột các hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm và gây ra bất ổn.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ năm nay, Bill Winters, giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered, cho biết các công ty hiện nay muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào một nơi duy nhất.

“Những người lo ngại về khả năng (Mỹ) áp thuế mạnh hơn với hàng xuất khẩu Trung Quốc đang tìm cách chuyển các cơ sở từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có cả các công ty Trung Quốc”, ông Winters nói.

Những nước đang tìm cách “chiếm chỗ” của Trung Quốc bắt đầu lên tiếng rằng hàng hóa xuất khẩu từ nước họ ít có nguy cơ bị áp thuế hơn.

“Đối với các công ty hoạt động ở Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra sự bất ổn mới”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto phát biểu tại Davos.

Trong khi phần lớn các công ty chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có chi phí thấp hơn, một số công ty khác rời Trung Quốc theo lời kêu gọi của Tổng thống Trump rằng họ nên chuyển hoạt động về Mỹ.

Tin bài liên quan