Nguyên nhân trực tiếp khiến giá cổ phiếu Facebook lao dốc 19% trong phiên ngày thứ Năm (26/7) là báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Công ty được công bố.
Trước đó, mạng xã hội đình đám này vẫn đang dành sức lực giải quyết bê bối vì lộ thông tin người dùng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện tại của Facebook là hạt mầm từng giúp Công ty trở thành gã khổng lồ toàn cầu đã không thể tăng trưởng thêm nữa.
Chiến lược giúp Facebook thành công là đặt quảng cáo vào vị trí trung tâm để tăng trưởng. Mọi người tham gia vào mạng xã hội này, lướt chuột và nhìn thấy các quảng cáo xen kẽ với thông tin về những mối quan hệ cá nhân.
Nếu cần thêm nhiều tiền, Facebook chỉ cần đơn giản “cài cắm” thêm nhiều quảng cáo, hoặc xông xáo cổ vũ thêm nhiều người hơn nữa trên toàn cầu gia nhập mạng xã hội này.
Tuy nhiên, hiện đã có 2,23 tỷ người dùng Facebook, tương đương 2/3 lượng người trên thế giới được tiếp cận với Internet, bằng số lượng người theo đạo Cơ Đốc.
Vậy còn đối tượng nào để Công ty có thể thu hút? Người dùng không tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền mới mà Facebook kiếm được sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khó đoán định hơn, như quảng cáo tại các ứng dụng chat, thực tế ảo, video chứa nội dung như truyền hình và các cập nhật mới khác nếu có.
Trong quý II/2018, số lượng người dùng Facebook tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ trước tới nay, thậm chí không tăng tại Bắc Mỹ, giảm sút tại châu Âu.
Trong khi đó, Công ty thay đổi chính sách với quảng cáo trên newsfeed, bởi quá nhiều quảng cáo sẽ khiến người dùng quay lưng. Nơi duy nhất để Facebook có thể tìm kiếm nguồn thu mới hiện tại là mạng chia sẻ hình ảnh Instagram. Tuy nhiên, tất cả mới là thử nghiệm.
Không riêng Facebook, một công ty internet có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới là Netflix Inc cũng vừa khiến nhà đầu tư sợ hãi rằng, cuộc hành trình phát triển sẽ chấm dứt.
Cụ thể, ông chủ của Netflix – mạng lưới TV online trả tiền lớn nhất thế giới cho biết tốc độ tăng trưởng lượng thuê bao chậm hơn trong quý II/2018 và giá cổ phiếu của Công ty đã giảm gần 10% trong tuần trước.
Một áp lực khác mà Facebook phải đối diện là chưa có động cơ phụ nào đủ sức để thay thế động cơ chính tới từ sức mạnh người dùng. Năm 2014, Facebook thâu tóm WhatsApp với giá 22 tỷ USD và tạo dựng ứng dụng chat của riêng mình là Messenger.
Từ đó tới nay, CEO Mark Zuckerberg cho biết, Công ty sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi ứng dụng này đạt 1 tỷ người dùng và bắt đầu kiếm lời. Đến nay, các ứng dụng trên đều đạt trên 1 tỷ người dùng, những đây vẫn chỉ là nền tảng kinh doanh thử nghiệm.
Eric Sheridan, chiến lược gia tại UBS cho biết, “Facebook chịu áp lực lớn, bởi tất cả các thử nghiệm mới đều không đủ mạnh để gánh vác trọng trách tăng trưởng trong ngắn và trung hạn”.
Trong khi nhà đầu tư ghét phải chấp nhận việc biên lợi nhuận giảm sút khi phải dành nguồn lực cho các sáng kiến mới. Chưa kể, các thử nghiệm trong tương lai đều đắt đỏ hơn.
Chẳng hạn, việc tham gia vào mảng thực tế ảo đòi hỏi đầu tư sản xuất phần cứng, thậm chí chịu thiệt mức giá bán ra ban đầu để thu hút khách hàng. Việc đầu tư vào ứng dụng TV internet kiểu mới hiện cũng đã khiến Facebook tốn hàng trăm triệu USD.
Với các diễn biến này, Facebook cho biết, biên lợi nhuận hoạt động của Công ty sẽ xuống khoảng 30%, thay vì mức hơn 40% lâu nay.
Theo các chuyên gia, con số này sẽ còn đi xuống, bởi Công ty đang theo đuổi việc trao cho người dùng quyền thiết lập thông tin cá nhân kỹ càng hơn và chia sẻ lợi nhuận với các nhà sáng tạo nội dung trong tương lai.