Theo Cục Thống kê Trung Quốc, lợi nhuận các công ty ngành công nghiệp nước này 2 tháng đầu năm chỉ đạt 708 tỷ NDT (105,5 tỷ USD), giảm 14% so với năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2011.
Số liệu tháng 1 và 2 được gộp lại, để tránh bị bóp méo do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Sự sụt giảm chủ yếu do giá sản phẩm tại các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt đi xuống, như xe hơi, dầu mỏ, thép và hóa chất. Lợi nhuận ngành ôtô giảm 37,1 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ngành dầu mỏ mất 31,7 tỷ USD. Hoạt động sản xuất và bán hàng cũng đang chậm lại.
Việc này càng tăng sức ép lên nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa và quốc tế vốn đã chậm lại. Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng 6,6% - chậm nhất gần 3 thập kỷ. Chính phủ nước nàynăm nay đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng GDP, về 6 - 6,5%.
Cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng gây sức ép lên hoạt động của các nhà máy, tâm lý doanh nghiệp và tiêu dùng nói chung. Sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm của nước này tăng chậm nhất 17 năm.
"Dù Mỹ và Trung Quốc có khả năng đạt thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn, người ta vẫn chưa rõ liệu nó có giúp đảo ngược xuất khẩu cho Trung Quốc hay không", Betty Wang - nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng ANZ nhận xét. Nguyên nhân là nhu cầu toàn cầu cũng đang yếu đi.
Giới chức Trung Quốc cũng thừa nhận nền kinh tế này đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn, do nhiều năm thực hiện chiến dịch kiềm chế nợ và ô nhiễm môi trường. Cuộc chiến thương mại với Mỹ càng khiến xuất khẩu và việc làm đi xuống. Để hỗ trợ ngành sản xuất, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp, từ giảm thuế VAT, tăng chi cho cơ sở hạ tầng đến giảm can thiệp trực tiếp của chính phủ vào thị trường.