Phố Wall hồi phục nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Phố Wall hồi phục nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Kinh tế khả quan, giới đầu tư phấn chấn trở lại

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh trong phiên thứ Ba nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cũng như tin tưởng vào khả năng ECB và Trung Quốc sẽ có các giải pháp kích thích kinh tế, trong khi vàng không có chỗ “bấu víu” để hồi trở lại.

Theo dữ liệu mới nhất được công bố, niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Bên cạnh đó, giá nhà của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 1/2013. Dữ liệu này một lần nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu hồi phục, bất chấp ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, những lo ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine có vẻ đã tạm lắng xuống khi Ngoại trưởng Nga và Ukraine có cuộc gặp bất ngờ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại The Hague (Hà Lan). Cuộc gặp này giúp giảm bớt lo ngại về cuộc đụng độ vũ trang giữa 2 nước như nhiều người lo ngại trước đó.

Với những thông tin tích cực trên, tâm lý của nhà đầu tư Phố Wall tốt hơn rất nhiều với chỉ số VIX, chỉ số đo lường sự sợ hãi của giới đầu tư Phố Wall giảm 7,1%, xuống 14,02.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 91,19 điểm (+0,56%), lên 16.367,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,18 điểm (+0,44%), lên 1.865,62 điểm. Nasdaq tăng 7,88 điểm (+0,19%), lên 4.234,27 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu có phiên phục hồi mạnh mẽ khi giới đầu tư tin tưởng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giúp các nền kinh tế này nhanh chóng hồi phục.

Jens Weidmann, một thành viên HĐQT ECB cho biết, ECB không loại trừ việc mua các khoản vay và tài sản khác từ các ngân hàng để hỗ trợ khu vực đồng euro, vốn vẫn đang phục hồi chậm chạp từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã phát biểu về việc Chính phủ nước này sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dấu hiệu chậm lại.

Những thông tin tích cực trên giúp chứng khoán châu Âu có phiên phục hồi mạnh, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần, thậm chí thêm lãi, trong đó cổ phiếu khai thác mỏ là nhóm tăng mạnh nhất, nhờ tín hiệu tốt từ Trung Quốc.

Chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Đức, khi chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức (IFO) chỉ giảm nhẹ giảm xuống 110,7 trong tháng 3, từ mức 111,3 trong tháng 2. Trước đó, giới phân tích, IFO tháng 3 của Đức sẽ giảm xuống còn 108 do ảnh hưởng của tình hình Ukraine.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 84,50 điểm (+1,30%), lên 6.604,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 149,63 điểm (+1,63%), lên 9.338,40 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 67,78 điểm (+1,59%), lên 4.344,12 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm nhiệt trở lại do ảnh hưởng từ chỉ số PMI trước đó của Mỹ, cũng như lo ngại về tình hình Ukraine, trong khi đó, việc Chính phủ sẽ có biện pháp kích thích kinh tế tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng điểm của chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 52,11 điểm (-0,36%), xuống 14.423,19 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 114,13 điểm (-0,52%), xuống 21.732,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 1,03 điểm (+0,05%), lên 2.067,31 điểm.

Sau phiên lao dốc do lực bán kỹ thuật phiên đầu tuần và xuống mức thấp nhất 4 tuần, giá vàng không thể hồi nhanh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi không có chỗ “bấu víu”. Thông tin giúp giá vàng bay cao thời gian qua là cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng đến nay, tình hình tại quốc gia này có vẻ tạm ổn khi Ukraine rút quân khỏi Crưm, vùng lãnh thổ này tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Bên cạnh đó, cuộc gặp bất ngờ giữa Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Ukraine để tìm giải pháp ổn định tình hình giữa 2 nước cũng làm giảm đi lo ngại một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa 2 nước.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới công bố của Mỹ cũng khả quan, nên giá vàng cũng không có lý do nào để hồi phục mạnh trở lại, mà chỉ lình xình ở mức thấp nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 25/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 2,1 USD (+0,16%), xuống 1.311,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 0,2 USD, lên 1.311,4 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục biến động trong biên độ hẹp và trái chiều nhau trong phiên giao dịch thứ Ba. Kết thúc phiên 25/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,41 USD (-0,41%), xuống 99,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 (+0,17%), lên 106,99 USD/thùng.

Tin bài liên quan