Italy đối mặt khó khăn trong việc đưa ra quyết định gỡ bỏ phong tỏa

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte bày tỏ mong muốn sớm "mở cửa" trở lại mọi hoạt động, nhưng ông cho rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu đưa ra quyết định này.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN).

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN).

Chính phủ Italy đang đối mặt khó khăn trong việc đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 hoặc gỡ bỏ biện pháp hạn chế buộc người dân ở trong nhà và mở cửa trở lại các doanh nghiệp vào ngày 4/5 tới sau 2 tháng các biện pháp được ban hành và thực hiện.

Trong tuyên bố ngày 21/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nêu rõ người dân Italy nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục thực thi một số biện pháp hạn chế trong thời gian tới.

Ông bày tỏ mong muốn sớm "mở cửa" trở lại mọi hoạt động, nhưng ông cho rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu đưa ra quyết định này.

Italy đang rất thận trọng trong việc xem xét quyết định có nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hay không dù tình hình dịch bệnh tại quốc gia châu Âu này đang tiến triển tích cực với tỷ lệ ca nhiễm mới trong ngày giảm còn 1,5%.

Tính đến thời điểm hiện tại, Italy ghi nhận 183.957 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong là 24.648 ca, chỉ sau Mỹ.

Việc nhiều nước bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tiến triển khả quan đã khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới lo ngại về nguy cơ tái bùng phát đại dịch COVID-19, dẫn đến các quyết định phong tỏa gây ảnh hưởng lớn về kinh tế thêm một lần nữa.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Italy cảnh báo họ không thể chống đỡ thêm nữa và việc Chính phủ Italy tìm kiếm gói cứu trợ kinh tế toàn diện từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gặp rào cản của khối này.

Dự kiến, trong vài ngày tới, ông Conte sẽ công bố chi tiết về giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống COVID-19 ở Italy.

Quyết định của ông có thể chịu sự chi phối của kết quả hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo EU nhóm họp ngày 23/4.

Thụy Điển: Thủ đô Stockholm đã qua đỉnh dịch 

Cùng ngày, Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển thông báo cuối tuần trước, thủ đô Stockholm đã qua đỉnh dịch và biểu đồ số ca nhiễm trong ngày có thể bắt đầu đi xuống.

Đến nay, Thụy Điển ghi nhận 15.322 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó riêng thủ đô Stockholm là 6.200 trường hợp.

Tại Ireland, các sự kiện quy mô lớn sẽ không được tổ chức cho đến cuối tháng 8/2020.

Ireland vẫn duy trì lệnh phong tỏa, cấm đi lại

Hiện Ireland vẫn duy trì lệnh phong tỏa, cấm đi lại không cần thiết và đóng cửa các doanh nghiệp cho đến tháng 5/2020.

Chính phủ nước này từng thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn sau ngày 5/5.

Bộ Tài chính Ireland dự báo GDP của nước này sẽ giảm 10,5% trong năm 2020 này do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Gruzia gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 22/5

Chính phủ Gruzia ngày 21/4 thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 22/5 để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Lệnh giới nghiêm vào ban đêm và quy định cấm tụ tập quá 3 người tiếp tục được duy trì thực hiện.

Đức đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế

Mặc dù, Đức đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, Ban tổ chức Giải chạy Marathon Berlin đã quyết định hủy sự kiện này do lệnh cấm tập trung đông người tại thủ đô.

Theo kế hoạch, Giải chạy Marathon Berlin diễn ra ngày 27/9. Đây là sự kiện thể thao lớn thu hút hàng chục nghìn người tham gia mỗi năm.

Trước đó, giới chức bang Bayern cũng đã quyết định hủy Lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest), lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới ở Đức, để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tin bài liên quan