Việc nhân viên Huawei bị IEEE cấm tham gia bình duyệt các bài nghiên cứu được cho là để tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ nhằm vào tập đoàn này - Ảnh: AP

Việc nhân viên Huawei bị IEEE cấm tham gia bình duyệt các bài nghiên cứu được cho là để tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ nhằm vào tập đoàn này - Ảnh: AP

Huawei bị Mỹ cấm bình duyệt nghiên cứu khoa học

Những bước đi của Mỹ nhằm giới hạn ảnh hưởng của tập đoàn Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã trải rộng từ mảng kinh doanh sang tận nghiên cứu khoa học.

Báo South China Morning Post ngày 30/5 đưa tin Viện kỹ nghệ điện và điện tử (IEEE) - tổ chức chuyên môn kỹ thuật lớn nhất thế giới đóng tại New York (Mỹ) - mới đây đã ra quyết định cấm các nhân viên Huawei tham gia quá trình bình duyệt các bài nghiên cứu, trong đó có vai trò biên tập cho các tạp chí khoa học.

Bình duyệt (peer review) là một trong những chuẩn mực vàng của khoa học, mà trong đó các nhà khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu của những đồng nghiệp khác trong cùng lĩnh vực nhằm đảm bảo kết quả nghiên cứu chính xác và chặt chẽ.

Quyết định của IEEE được rò rỉ trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 29/5, gây ra phản ứng giận dữ từ một số nhà khoa học hàng đầu của nước này. Họ mô tả động thái của IEEE là "chống khoa học" và "vi phạm tự do học thuật".

Bà Trương Hải Hà, giáo sư tại Viện Vi điện tử thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, bà sẽ rời IEEE vì quyết định của tổ chức này đã "đi quá xa đường lối cơ bản của khoa học và công nghệ".

"Là một giáo sư, tôi không chấp nhận được chuyện này" - bà Trương viết trong một lá thư gửi tới chủ tịch mới được bầu của IEEE là ông Toshio Fukuda. 

Bức thư này nhận hơn 40.000 lượt xem chỉ vài giờ sau khi được đăng lên mạng. Nhiều người đã bình luận bên dưới kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc tẩy chay IEEE.

Là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1963, IEEE hiện có hơn 420.000 thành viên ở hơn 160 quốc gia tính tới ngày 31/12/2018. Hơn 50% thành viên của tổ chức này - trong đó có nhiều chuyên gia về kỹ thuật, khoa học máy tính...  đến từ bên ngoài nước Mỹ.

Hiện không có dữ liệu chính thức về số lượng thành viên IEEE đến từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các nguồn tin trên mạng cho thấy có ít nhất 80 nhân viên Huawei là thành viên của tổ chức này.

Trong một tuyên bố hôm 16/5, IEEE cho biết là một tổ chức ở New York (Mỹ), họ phải tuân thủ các trách nhiệm pháp lý theo luật pháp Mỹ. Họ cho biết lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ không chỉ bao trùm các hàng hóa và phần mềm, mà còn thông tin chuyên môn.

Huawei hiện chưa bình luận gì về lệnh cấm bình duyệt của IEEE. Đây được xem là cú sốc kế tiếp dành cho Huawei sau khi tập đoàn này bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại và bị cấm mua các linh kiện từ công ty Mỹ.

Tin bài liên quan