Hơn 20,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 20,7 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 751.000 người chết, trong bối cảnh Nga trở thành nước đầu tiên tuyên bố có vaccine.
Y tá lấy mẫu máu của người phụ nữ tại El Salvador ngày 30/7. Ảnh: AFP.

Y tá lấy mẫu máu của người phụ nữ tại El Salvador ngày 30/7. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 20.763.244 ca nhiễm và 751.118 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 270.542 và 7.010 ca sau 24 giờ, trong khi 13.675.127 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.354.838 ca nhiễm và 168.956 người chết, tăng lần lượt 51.331 và 1.432 ca so với một ngày trước đó. Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), dự báo khoảng 300.000 người Mỹ sẽ chết vì nCoV vào cuối năm nay nếu tình hình không chuyển biến tích cực.

Trump cho biết hôm 12/8 rằng chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ. Trump vẫn thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có các triệu chứng nặng, nhưng những nguyên cứu mới cho thấy trẻ em vẫn có khả năng lây truyền virus.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 104.201 sau khi ghi nhận thêm 1.102 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 52.392 trong 24 giờ qua, lên 3.164.785. Cuối tuần qua, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận hơn 100.000 người chết.

Viện Công nghệ Parana ngày 12/8 thông báo họ dự kiến sản xuất vaccine của Nga trước nửa cuối năm 2021, sau khi bang Parana ký một bản ghi nhớ với Moskva.

Nhằm ngăn nCoV lây lan, Thị trưởng Rio de Janeiro Marcelo Crivella hôm 10/8 tuyên bố những người tới bãi biển phải giãn cách xã hội và đặt chỗ trước trên bãi cát thông qua một ứng dụng, mặc dù việc thực hiện biện pháp này được cho là sẽ gặp khó khăn.

Với hơn 14.000 người chết, bang Rio trở thành địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai của đại dịch, sau Sao Paulo. Bất chấp tình hình nghiêm trọng, đám đông vẫn đổ tới những bãi biển nổi tiếng trong thành phố để tắm nắng hay chơi bóng trên cát. Tổng thống Jair Bolsonaro, người từng nhiễm nCoV, cũng luôn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và cũng là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo 492.522 ca nhiễm và 53.929 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.686 và 926 trường hợp.

Bất chấp những con số vẫn gia tăng, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell bày tỏ lạc quan rằng sự kiểm soát đại dịch đã tốt hơn. "Đại dịch vẫn tồn tại, nhưng nó bắt đầu chậm lại hồi tháng 7", ông nói. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chính phủ Mexico mắc nhiều sai lầm khi xử lý khủng hoảng.

Chile ghi nhận 378.168 ca nhiễm và 10.205 ca tử vong, tăng lần lượt 1.552 và 27 trường hợp so với hôm trước. Chính quyền bắt đầu tái mở cửa thủ đô Santiago bằng cách gỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước. Tuy nhiên, họ thận trọng về việc mở lại khu vực trung tâm đông dân, nơi đã bị phong tỏa 143 ngày kể từ 26/3.

Chile sẽ gỡ phong tỏa với trung tâm thủ đô từ 17/8. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà bất cứ khi nào có thể, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay. Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 568.919 ca nhiễm và 11.010 ca tử vong, tăng lần lượt 2.810 và 259 ca.

Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuần trước cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 129 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.260. Số ca nhiễm tăng thêm 5.102, lên 902.701. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một vaccine Covid-19, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko nói lô vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng trong hai tuần tới.

Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, Nga nói hoài nghi về vaccine này là "vô căn cứ".

Tây Ban Nha ghi nhận 376.864 ca nhiễm, tăng 3,172 trường hợp trong khi ca tử vong không tăng, duy trì ở mức 28.579. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong hai tuần qua sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Hôm 7/8, giới chức áp lệnh phong tỏa thị trấn Aranda de Duero, cách thủ đô Madrid khoảng 150 km về phía bắc, bao gồm khoảng 32.000 dân nhằm ngăn nCoV lây lan. Một số khu vực khác của Tây Ban Nha cũng phong tỏa một phần, bao gồm xứ Basque và các vùng Catalonia, Aragon. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này khẳng định làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ không xảy ra.

Anh báo cáo thêm 1.009 ca nhiễm nCoV, con số cao nhất trong ngày được ghi nhận kể từ hôm 21/6, nâng tổng số ca nhiễm lên 313.798, trong đó 46.706 người chết. Theo báo cáo của viện Khoa học Y khoa Anh, trong trường hợp xấu nhất, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9/2020 tới tháng 6/2021.

Các biện pháp hạn chế gần đây được tái áp đặt tại một số địa phương ở miền trung và miền bắc nước Anh cùng thành phố Aberdeen của Scotland, nơi những quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa, trong khi lệnh hạn chế đi lại được gia hạn.

Tuy nhiên, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch, trẻ em Scotland hôm 11/8 trở lại trường học lần đầu tiên sau 5 tháng, trong bối cảnh các lãnh đạo khắp nước Anh đang cố gắng tái mở cửa ngành giáo dục. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông "rất ấn tượng" với sự chuẩn bị để ngăn chặn virus trong các lớp học.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 188 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 18.988. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.510, lên tổng cộng 333.699 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.

Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm và 36 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.037 và 3.269 ca. Hải quan Arab Saudi triển khai chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt để xác định hành khách nhiễm nCoV sau khi nước này nối lại đường bay quốc tế.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 67.066 ca nhiễm và 950 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.395.471 và 47.138.

Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng.

Những ngày gần đây, nhiều chính trị gia Ấn Độ bị nhiễm nCoV, bao gồm cựu tổng thống Pranab Mukherjee, người đang phải thở máy sau khi phẫu thuật

Trung Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 143.749 ca nhiễm và 2.404 ca tử vong, tăng lần lượt 4.444 và 19 ca trong 93 giờ qua. Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan tái áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Các nhà khoa học Philippines hôm qua gặp đại diện Viện Gamaleya để thảo luận về tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine do Nga sản xuất. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước đó tuyên bố ông tình nguyện tiêm vaccine do Nga sản xuất để thể hiện sự tin tưởng và biết ơn.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 130.718 ca nhiễm, tăng 1.942 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.903 người chết, tăng 79 ca.

Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy. Các trung tâm mua sắm cũng được phép mở cửa trở lại từ giữa tháng 6. Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, mở cửa trở lại từ hôm 31/7 cho du khách trong nước và lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể vào 11/9.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.395 người nhiễm, tăng 42 ca - mức thấp nhất trong 4,5 tháng. 27 người chết vì nCoV. Tuần trước họ đã hoàn thành xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

WHO ngày 12/8 cho biết họ đang mong đợi được xem xét các thử nghiệm lâm sàng của vaccine do Nga sản xuất.

WHO cho biết 28 trong số hơn 150 loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm trên người, trong đó 6 loại đã đạt đến giai đoạn ba - giai đoạn cuối cùng khi vaccine được thử nghiệm hàng nghìn người. Vaccine của Nga nằm trong số 28 loại được đánh giá lâm sàng nhưng được WHO liệt kê là chỉ đang ở giai đoạn một.

Tin bài liên quan