Hoạt động IPO tại Trung Quốc sôi động được bao lâu?

(ĐTCK) Trong bối cảnh dịch cúm Covid-19 đang tạo “gọng kìm” kẹp chặt nền kinh tế Trung Quốc, thị trường IPO nước này bất ngờ nhộn nhịp. Dẫu vậy, đây có thể chỉ là “ảo ảnh” sống động thoáng qua.

Nhộn nhịp nhất 5 năm qua

12 công ty sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng này, với tổng giá trị khoảng 2,8 tỷ USD, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Điều này khiến thị trường chứng khoán Đại lục sẽ có 10 ngày bận rộn nhất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kể từ năm 2015 cho tới nay.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, các doanh nghiệp khó có thể tiến hành roadshow để quảng bá trước khi lên sàn. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc định giá, mua - bán cổ phiếu có thể được thực hiện online thông qua hệ thống điều hành bởi sàn giao dịch, nên ảnh hưởng tới hoạt động IPO là không đáng kể. Câu hỏi đặt ra là sự nhộn nhịp này kéo dài trong bao lâu?

Những doanh nghiệp chuẩn bị tiến hành IPO trong tháng này thực tế đã đăng ký với cơ quan lưu ký từ trước Tết Nguyên đán. Đây là lý do khi mối lo ngại về dịch bệnh gia tăng, Alexander Yao, tổng giám đốc Roadshow Investment Co cho rằng, đối với các công ty đã nhận được sự chấp thuận từ nhà quản lý, vẫn có khả năng trì hoãn nếu tình hình thị trường trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu từ Uỷ ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc, cơ quan này đã chấp thuận hoạt động IPO của 26 doanh nghiệp trong năm 2020 vào thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, mọi hoạt động đang bị trì hoãn khi không có lịch họp cho tới khi dịch bệnh kết thúc.

Trong khi đó, Hồng Kông - điểm đến ưa thích để IPO của các doanh nghiệp Đại lục, bắt đầu cảm nhận nỗi đau từ dịch bệnh. Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã khởi đầu thập kỷ mới một cách mạnh mẽ với 17 công ty lên sàn trong tuần đầu tiên của tháng 1. Tuy nhiên, chỉ 1 công ty duy nhất là SEM Holdings Ltd hoàn thành việc định giá và tiến hành IPO kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, theo số liệu do Bloomberg tổng hợp.

Thực tế, dịch bệnh bùng phát đã và đang tạo bóng mây bao phủ hoạt động IPO tại khắp châu Á nói chung, là nguyên nhân chính khiến nhiều thương vụ bị trì hoãn. Trong đó, PT Lion Mentari Airlines, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia, đã hoãn kế hoạch IPO do dịch bệnh.

2020: Kỳ vọng tiếp tục tích cực

Vào thời điểm cuối năm qua, 420 công ty Trung Quốc đã nộp đơn xin IPO, niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, chưa kể 161 công ty có đơn xin giao dịch tại STAR Markets - sàn mới nhất tại Thượng Hải, theo số liệu chính thức từ Trung Quốc. Như vậy, có ít nhất 581 công ty chờ đợi niêm yết năm 2020, cao gấp đôi so với năm 2019 và là mức cao nhất kể từ năm 2016.

Diễn biến này một phần xuất phát từ sự khởi sắc của hoạt động IPO tại Trung Quốc năm 2019, khi có khoảng 200 doanh nghiệp lên sàn, gần gấp đôi con số năm 2018, thu về số tiền khoảng 35,9 tỷ USD, ở mức cao nhất 7 năm qua, theo số liệu của EY.

Hoạt động IPO tại Trung Quốc sôi động được bao lâu? ảnh 1

Trong đó, cải tổ lớn nhất là việc xây dựng sàn STAR Market, nơi quá trình chấp thuận hồ sơ niêm yết được rút ngắn, đồng thời là sàn không yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi mới được lên giao dịch.

Quãng thời gian tươi đẹp này của thị trường chứng khoán Trung Quốc hoàn toàn đối lập với bầu không khí trên toàn cầu, khi hoạt động niêm yết chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và các “bom xịt” của doanh nghiệp kỳ lân tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, trên thế giới, số lượng các thương vụ IPO giảm 19% năm 2019 và giá trị huy động giảm 4% so với năm trước đó, theo báo cáo của EY.

Đáng chú ý, với mục tiêu giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động tín dụng, giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch cho các cuộc cải tổ thị trường chứng khoán năm 2020, trong đó có việc tái cấu trúc sàn ChiNext tại Thẩm Quyến, học hỏi theo thành công ban đầu của sàn STAR Market.

Tin bài liên quan