Giới đầu tư phố Wall đang "sống trong sợ hãi" - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư phố Wall đang "sống trong sợ hãi" - Ảnh: Reuters

Hoảng sợ với Ebola, giới đầu tư chứng khoán tháo chạy

(ĐTCK) Việc bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ được chẩn đoán mắc căn bệnh Ebola khiến giới đầu tư hoảng sợ và tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, kéo phố Phố Wall lao dốc hơn 1% trong phiên thứ Tư.

Sau phiên giảm điểm hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư với việc các chỉ số chính đều giảm hơn 1%. Tất cả 10 chỉ số thành phần của S&P 500 đều kết thúc phiên trong sắc đỏ, trong khi chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đóng cửa tăng 2,5%.

Giới đầu tư phố Wall hoảng loạn bán tháo trong phiên thứ Tư sau thông tin về việc một bệnh nhân ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh Ebola, căn bệnh nguy hiểm đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng của người dân châu Phi. Căn bệnh này hiện có tỷ lệ lây lan rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao, gây hoang mang và reo rắc nỗi sợ hãi cho người dân châu Phi nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Vì vậy, việc Mỹ phát hiện người đầu tiên nhiễm Ebola không chỉ khiến người dân hoảng sợ, mà còn ảnh hưởng mạnh tới các hãng hàng không, vận chuyển, du lịch, khiến cổ phiếu của các nhóm ngành này giảm mạnh, trong khi cổ phiếu của các hãng dược có thuốc trị Ebola tăng vọt, nhưng “một cánh én không làm nên mùa Xuân”.

Ngoài nỗi sợ Ebola, dữ liệu kinh tế được công bố yếu kém trước đó cũng ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 1/10, chỉ số Dow Jones giảm 238,19 điểm (-1,40%), xuống 16.804,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,13 điểm (-1,32%), xuống 1.946,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 71,30 điểm (-1,59%), xuống 4.422,09 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên thứ Tư khi dữ liệu nhà máy đáng thất vọng của khu vực được công bố, cũng như nỗi lo về bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ.

Theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động sản xuất của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm lần đầu tiên sau 15 tháng trong tháng 9, trong khi khu vực đồng tiền chung tăng trưởng sản xuất chạm lại và đơn đặt hàng mới ký giảm lần đầu sau 1 năm.

Cùng với dữ liệu lạm phát ở mức 0,3% được công bố hôm thứ Ba, dữ liệu mới công bố cho thấy kinh tế khu vực này còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chắc chắn còn nhiều việc phải làm để vực dậy.

Kết thúc phiên 1/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 65,20 điểm (-0,98%), xuống 6.557,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 92,27 điểm (-0,97%), xuống 9.382,03 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm, 50,97 điểm (-1,15%), xuống 4.365,27 điểm.

Không chỉ giảm điểm trong phiên đầu tiên của tháng 10, giới phân tích cho biết, chứng khoán thế giới sẽ đối diện với tháng 10 đầy khó khăn khi những dữ liệu kinh tế, cuộc đối đầu Đông - Tây chưa kịp giải quyết xong, thì đến cuộc khủng hoảng Trung Đông, rồi sự bất ổn ở Hồng Kông và tới đây là đối phó với Ebola.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm xuống mức thấp nhất 2 tuần do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Hồng Kông.

Kết thúc phiên 1/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 92,27 điểm (-0,56%), xuống 16.082,25 điểm. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Trong khi đó, sự bất ổn và khủng hoảng ở Trung Đông, Hồng Kông, dịch bệnh lại làm tăng vai trò trú ẩn của vàng, giúp giá kim loại quý này tăng trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 1/10, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD (+0,36%), lên 1.213,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,9 USD (+0,32%), lên 1.215,5 USD/ounce.

Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu lúc đầu được hỗ trợ bởi dữ liệu PMI của Trung Quốc trong tháng 9 đứng ở mức 51,1, tuy nhiên, về cuối phiên, giá nhiên liệu này yếu dần và quay đầu giảm giá khi giữ liệu kinh tế của châu Âu không khả quan.

Kết thúc phiên 1/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,43 USD (-0,47%), xuống 90,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-0,54%), xuống 94,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan