Ảnh AFP

Ảnh AFP

Hàng nghìn tỷ USD bị thổi bay trong 1 ngày vì Covid-19

(ĐTCK) Virus Covid-19 lan rộng và nhanh ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục đã khiến giới đầu tư hoảng sợ bán tháo ra trong phiên giao dịch đầu tuần mới (24/2), nhấn chìm chứng khoán toàn cầu và thổi bay hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ trong 1 ngày.

Trong khi tại Trung Quốc đang có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại virus Covid-19 khi số người được chữa hỏi tăng nhanh hơn số người nhiễm mơi và tử vong, thì tình hình ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục lại ngược lại.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới ngày một tăng và trở thành ổ dịch lớn thứ 2 ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục với hơn 800 người nhiễm, 7 người chết. Tiếp theo đó là Nhật Bản, nhưng ổ dịch này chủ yếu xuất phát từ tàu Diamond Princess. Tại Iran, số người chết cũng đã tăng lên 12 người, là quốc gia có số người chết vì Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

Không chỉ tại châu Á, Covid-19 cũng đang bùng phát tại châu Âu mà ổ dịch lớn nhất tại đây là Italia với hơn 220 ca nhiễm, trong đó 7 người tử vong.

Liên tục những thông tin tiêu cực về Covid-19 từ Đông Á, đến Trung Đông và cả châu Âu đã khiến giới đầu tư hoảng sợ trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Bắt đầu tư chứng khoán châu Á, việc bán tháo lây lan dần sáng chứng khoán châu Âu và cuối cùng là chứng khoán Mỹ.

Đà bán tháo trong phiên đầu tuần khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm hơn 3%, trong đó S&P 500 và Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất 2 năm. Riêng với S&P 500, đại diện cho hơn 40% vốn hóa của chứng khoán toàn cầu đã mất 927 tỷ USD vốn hóa trong phiên này. Còn nếu tính từ phiên đóng cửa thứ Tư tuần trước, vốn hóa của S&P 500 đã mất tới 1.330 tỷ USD.

Trong khi đó, chỉ số CBOE (VIX) đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư đã nhảy vọt trong phiên với mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2018 lên 25,03, mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones giảm 1.031,61 điểm (-3,56%), xuống 27.960,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 111,86 điểm (-3,35%), xuống 3.225,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 355,31 điểm (-3,71%), xuống 9.221,28 điểm.

Không chỉ tại châu Á, virus Covid-19 đang tấn công mạnh mẽ châu Âu, tâm điểm của ổ dịch ở “lục địa già” là Italia. Điều này dĩ nhiên khiến giới đầu tư châu Âu cũng sợ hãi bán tháo ồ ạt trong phiên đầu tuần mới, kéo các thị trường chứng khoán trong khu vực giảm hơn 3%, thậm chí chứng khoán Italia mất tới 5,4%, chứng khoán Đức giảm hơn 4%, Pháp gần 4%. Phiên lao dốc đầu tuần đã thổi bay gần 474 tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 247,09 điểm (-3,34%), xuống 7.156,83 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 544,09 điểm (-4,01%), xuống 13.035,24 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 237,84 điểm (-3,94%), xuống 5.791,87 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhờ nghỉ bù ngày sinh nhật Nhật Hoàng nên chứng khoán Nhật Bản thoát khỏi phiên hoảng loạn chung của chứng khoán khu vực khi số ca nhiễm Covid-19 mới tại Hàn Quốc tăng mạnh, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đại lục. Trong đó, chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018, chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh nhất 4 tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp của tuần trước, nhưng mức giảm được hạn chế đáng kể khi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Bắc Kinh sẽ có các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,44 điểm (-0,28%), xuống 3.031,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 487,93 điểm (-1,79%), xuống 26.820,88 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 88,30 điểm (-3,87%), xuống 2.079,04 điểm.

Sự hoảng sợ của nhà đầu tư trước sự lây lan nhanh chóng của virus Covid-19 từ Đông Á, tới Trung Đông và sang châu Âu đã khiến vàng có phiên giao dịch bùng nổ ngày đầu tuần mới. Giá vàng có lúc tăng tới hơn 46 USD/ounce (tương đương mức tăng hơn 2,8%), thiết lập đỉnh cao 7 năm. Tuy nhiên, đà tăng sau đó trong phiên Mỹ hạ nhiệt và chốt phiên chỉ giữ lại được 1/3 mức tăng có được như ở phiên giao dịch châu Á.

Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay tăng 16,4 USD (+1,0%), lên 1.659,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 27,8 USD (+1,69%), lên 1.676,6 USD/ounce.

Cũng giống như chứng khoán, sự bùng phát của virus Covid-19 có tác động tiêu cực lên giá dầu, vì nó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu với dầu mỏ.

Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,03 USD (-3,80%), xuống 51,35 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,32 USD (-3,97%), xuống 56,18 USD/thùng.

Tin bài liên quan