Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ đi xuống.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ đi xuống.

Giữa tâm bão, triển vọng thương mại Trung Quốc ảm đạm hơn

(ĐTCK) Cơ hội để Trung Quốc có thể thoát khỏi những xung đột thương mại với Mỹ với tổn thất nhẹ nhàng nhất đang ngày càng xa vời, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến này.

Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ có hành động rất sớm trong việc đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời khoảng 267 tỷ USD hàng hóa khác sẽ phải chịu thuế trong thời gian ngắn tới.

Tính từ đầu năm tới nay, Mỹ đã đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cân nhắc chuyện áp dụng biện pháp này lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa khác trong vài tuần gần đây.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp, nhóm ngành nghề tại Mỹ đều thể hiện mong muốn được loại trừ khỏi các biện pháp áp thuế với hàng hóa mua từ Trung Quốc, nhưng ông Trump không hề có ý định lùi bước, cho tới khi buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong chính sách thương mại với Mỹ.

“Tôi ghét phải nói điều này, nhưng sau khoản thuế với 200 tỷ USD hàng hóa, có thể 267 tỷ USD hàng khác sẽ phải chịu áp thuế bằng vài thông báo vắn tắt nếu tôi muốn”, ông Trump cho biết.

Mặc dù hiện tại, các chuyên gia kinh tế đánh giá các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là chưa đáng kể tới tăng trưởng của 2 nền kinh tế, tuy nhiên, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Xiaochuan đã đưa ra cảnh báo, ảnh hưởng của diễn biến này tới niềm tin của các thành viên thị trường là đáng quan ngại.

“Mọi người sẽ trở nên lo lắng. Không ai hiểu vì sao, đột ngột một cuộc chiến thương mại xuất hiện. Nhà đầu tư sẽ thay đổi suy nghĩ về việc rót tiền vào hoạt động đầu tư”, ông Xiaochuan cho biết.

Trong bối cảnh này, Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng châu Á – Thái Bình Dương tại HIS Markit nhận định: “Với viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể chịu tổn thất nặng nề và tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2019 sẽ bị đè nén.

Ở chiều ngược lại, nếu Mỹ tiếp tục leo thang các biện pháp đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc, lĩnh vực xuất khẩu của quốc gia này cũng phải đối mặt với con đường khó khăn phía trước, khi thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu, giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn, thị trường đầy tiềm năng là Trung Quốc bị thu hẹp”.

Thực tế, chỉ vài giờ sau khi tuyên bố cuối tuần trước của ông Trump được đưa ra, Trung Quốc đã thông báo thực hiện một số biện pháp hỗ trợ các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách thuế của Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 15/9, 397 hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này sẽ được giảm nhẹ các mức thuế, phí có liên quan tới hoạt động xuất khẩu.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang bắt đầu cảm nhận được nỗi đau khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Số liệu được công bố cuối tuần trước cho thấy, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ đã được nới rộng lên mức 31,3 tỷ USD trong tháng 8/2018, tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu ở mức chậm nhất kể từ tháng 3/2018 tới nay.

“Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nới rộng bởi trong tháng trước, các nhà xuất khẩu đã phải vội vã xuất hàng đi trước khi các biện pháp đánh thuế vào 200 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực. Tình hình trong các tháng tới sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều”, Gai Xinzhe, chiến lược gia tại Viện nghiên cứu tài chính quốc tế Bắc Kinh cho biết.

Cùng chung quan điểm, Larry Hu, nhà kinh tế tại Macquarie Secutities Ltd nhận định: “Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm 5 - 10% trong vài tháng tới. Sau đó, tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, khi xung đột thương mại leo thang và nền kinh tế toàn cầu dần giảm tốc.

Trong khi đó, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura International Ltd cho rằng, dù có sử dụng các chính sách nới lỏng, việc tăng trưởng xuất khẩu đi xuống vẫn sẽ tạo áp lực lớn lên Bắc Kinh.

Bởi các giá trị gia tăng từ xuất khẩu hiện đang đóng góp khoảng 10% GDP Trung Quốc. Nếu hoạt động xuất khẩu không diễn biến tích cực, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn toàn hồi phục.

Tin bài liên quan