Giới tỷ phú Trung Quốc “sốt vó” với chính sách giảm nợ xấu

(ĐTCK) Với những vụ “bỗng dưng biến mất” thời gian gần đây, các tỷ phú Trung Quốc một lần nữa được nhắc lại bài học rằng, giàu có và quyền lực chưa đủ sức giúp họ thoát khỏi những rắc rối.

Anbang Insurance Group Co trong tuần qua vừa thông báo, Chủ tịch Wu Xiaohui, đồng thời là một trong những tỷ phú Trung Quốc tích cực tham gia hoạt động thâu tóm tài sản nước ngoài, đã không thể có mặt tại sự kiện của Công ty vì lý do cá nhân.

Caijing Magazine, một tờ báo nổi tiếng về tài chính và kinh doanh của Đại lục đưa tin, ông Wu đã bị bắt để phục vụ điều tra.

Trường hợp của ông Wu là ví dụ mới nhất về thực tế tại Trung Quốc: bất kỳ ai cũng có thể “bị kéo đi”, bất chấp việc có tiền hay mối quan hệ.

Hiện tại, vẫn chưa rõ vị tỷ phú này đã làm sai điều gì, nhưng sự vắng mặt bí ẩn của ông được cho rằng có liên quan tới các chính sách chống tham nhũng và giảm nợ xấu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy mạnh thực hiện.

Một trong những lý do khiến giới chức Trung Quốc thúc đẩy chính sách chống tham nhũng và giảm nợ xấu hiện tại là bởi tình trạng của nền kinh tế.

Giới tỷ phú Trung Quốc “sốt vó” với chính sách giảm nợ xấu ảnh 1

Nếu như ở thập kỷ trước, chính quyền Đại lục sẵn sàng nới lỏng sự giám sát đối với tình trạng tham nhũng, các khoản vay tiềm ẩn rủi ro, giao dịch “ngầm” để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì hiện tại, nhiệm vụ trọng tâm là giảm nợ và rủi ro tài chính, các yếu tố đang đe dọa sẽ khiến tình trạng giảm tốc của nền kinh tế tồi tệ hơn.

Sau khi trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, số nợ của Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, tương đương khoảng 264% GDP, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.

Trong tháng 4/2017, chính quyền Đại lục đã bắt đầu các biện pháp kiểm soát nợ: lãnh đạo các cơ quan quản lý lĩnh vực bảo hiểm bị thay thế hoặc chịu điều tra, trong khi người đứng đầu các sàn chứng khoán được kêu gọi hãy “thể hiện sức mạnh”.

Cuối tháng 5, sau sự kiện cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đồng loạt đi xuống với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức đứng đầu, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Sau cuộc họp này, thông điệp được đưa ra là: an ninh tài chính là yếu tố cơ bản của một nền kinh tế ổn định, khỏe mạnh.

Anbang, kể từ khi được thành lập vào năm 2004 tới nay, đã trở thành nhà bảo hiểm lớn thứ ba Trung Quốc về doanh thu phí bảo hiểm. Việc công ty này liên tục thực hiện các thương vụ thâu tóm, thu mua tài sản nước ngoài trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của giới chức Đại lục. Trong đó, thương vụ đáng chú ý nhất là việc Anbang đang thỏa thuận đầu tư để tái phát triển 666 Fifth Ave tại New York, trụ sở chính của Kushner Cos, công ty gia đình của con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch Anbang Wu Xiaohui không phải tỷ phú đầu tiên ở trong tình trạng này. Trước đó, năm 2015, Gou Chuangchang, Chủ tịch Fosun International Ltd, một công ty Trung Quốc khác cũng hoạt động mạnh mẽ trong việc mua tài sản nước ngoài những năm gần đây, cũng đã biến mất một thời gian để phục vụ việc điều tra của giới chức Đại lục.

Mặc dù ông Gou Chuangchang đã xuất hiện trở lại, nhưng điều này không đủ sức xóa bỏ nỗi lo ngại, khiến giá cổ phiếu của Fosun không ngừng lao dốc.

Nhà tài phiệt Miles Kwok, hay được biết tới với tên gọi Guo Wengui, cũng đang gặp “rắc rối” khi công ty của ông trong tháng này bị điều tra vì chịu trách nhiệm cho các khoản vay và trao đổi ngoại tệ gian lận, tờ Xinhua News Agency đưa tin.

Hiện tại, rất nhiều đại gia Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài. Cư dân Trung Quốc chiếm tới khoảng 80% các đơn xin cấp visa EB-5, một chương trình cấp thẻ xanh dành cho những cá nhân nước ngoài giàu có, đổi lại là việc đầu tư vào các dự án tại Mỹ, theo báo cáo của Hãng bất động sản Savills Studley Inc.

Tin bài liên quan