Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Thất vọng với kết quả kinh doanh của một số tập đoàn trong lĩnh vực công nghiệp và chip khiến phố Wall quay đầu giảm, nhưng may mắn đà giảm được hãm lại, thậm chí Nasdaq tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của Facebook và Microsoft.

Trong phiên thứ Năm (25/4), giới đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vừa được công bố là 3M, United Parcel Service Inc và Raytheon Co. Tiếp đó, FedEx Corp cũng sụt giảm sau khi công bố lợi nhuận không như dự báo.

Cổ phiếu Intel Corp cũng giảm 7% sau khi nhà sản xuất chip dự báo doanh thu quý hiện tại dưới mức ước tính của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu công nghệ lại tăng tốt với Amazon tăng 1,7% sau khi công ty công bố lợi nhuận vượt dự báo, dù doanh thu không như dự tính. Đặc biệt, Facebook và Microsoft tăng mạnh 5,8% và 3,3%, sau khi báo cáo lợi nhuận tốt hơn mong đợi.

Với sự hỗ trợ của nhóm công nghệ, Nasdaq đã trở lại đà tăng sau phiên điều chỉnh trước đó, trong khi đà giảm của S&P 500 được hãm lại ở mức tối thiểu, ngoại trừ Dow Jones giảm khá mạnh, nhưng cũng đã bớt đi hơn nửa số điểm đã mất đầu phiên.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones giảm 134,97 điểm (-0,51%), xuống 26.462,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,08 điểm (-0,04%), xuống 2.926,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 16,67 điểm (+0,21%), lên 8.118,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh đồng loạt trở lại, trong đó có cả chứng khoán Đức sau 9 phiên tăng liên tiếp khi các nhà đầu tư phản ứng với các thông tin đến từ châu Á, nhất là từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 37,62 điểm (-0,50%), xuống 7.434,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 30,56 điểm (-0,25%), xuống 12.282,60 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,39 điểm (-0,33%), xuống 5.557,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, sẽ xem xét kế hoạch cho vay đối với một số quỹ ETF lớn và cam kết giữ lãi suất thấp ít nhất cho đến đầu năm 2020. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lao dốc Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, PBOC không có ý định thắt chặt hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ, việc PBOC sử dụng các công cụ quản lý tiền mặt như repos và các khoản vay trung hạn không được hiểu là những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Điều này dập tắt những kỳ vọng về những kích thích tiền tệ của Bắc Kinh. Những phát biểu trên cũng kéo theo chứng khoán Hồng Kông đi xuống.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 107,58 điểm (+0,48%), lên 22.307,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 77,79 điểm (-2,43%), xuống 3.123,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 256,03 điểm (-0,86%), xuống 29.549,80 điểm.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng diễn ra trên thị trường vàng, khiến giá kim loại quý này chỉ lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi trong phiên thứ Năm. Nếu không có sự hỗ trợ từ việc đồng USD giảm trở lại từ mức cao nhất 2 năm, giá vàng đã quay đầu điều chỉnh.

Kết thúc phiên 25/4, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,05%), lên 1.276,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,3 USD (+0,02%), lên 1.279,7 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm sau khi Nga cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu bơm nhiên liệu sạch tới châu Âu thông qua đường ống Druzhba vào ngày 29/4. Trước đó, Ba Lan và Đức đã đình chỉ nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba, với lý do ô nhiễm. Ngoài ra, thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến cũng là lý do khiến giá dầu thô giảm.

Kết thúc phiên 25/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,68 USD (-1,03%), xuống 65,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,22 USD (-0,30%), xuống 74,35 USD/thùng.

Tin bài liên quan