Giới đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh

Giới đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Mong đợi một mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I khả quan, nhưng những doanh nghiệp đầu tiên công bố lại khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Sau khi trái chiều trong phiên thứ Tư, phố Wall đã đồng loạt chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm khi hãng thuốc lá khổng lồ Philip Morris, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 của S&P 500 công bố kết quả kinh doanh kém khả quan hơn dự báo, kéo nhiều cổ phiếu cùng ngành và liên quan lao dốc. Nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng cũng giảm theo. Trong đó, cổ phiếu của Philip Morris giảm tới 15,6% và cổ phiếu của công ty mẹ Altria giảm 6%. Cổ phiếu P&G giảm 3,3% khi chi phí vận chuyển tăng làm giảm biên lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cảnh báo về nhu cầu smartphone sẽ thấp trong năm nay cũng khiến nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Dow Jones giảm 83,18 điểm (-0,34%), xuống 24.664,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,51 điểm (-0,57%), xuống 2.693,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,18 điểm (-0,78%), xuống 7.238,06 điểm.

Sau khi tăng lên mức cao nhất 6 tuần hôm thứ Tư, chứng khoán châu Âu đã có diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm khi chịu tác động ngược nhau của nhóm cổ phiếu công nghiệp (tăng giá nhờ kết quả kinh doanh khả quan) và nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng và thuốc lá.

Kết thúc phiên 19/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,58 điểm (+0,16%), lên 7.328,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 23,41 điểm (-0,19%), xuống 12.567,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,47 điểm (+0,21%), lên 5.391,64 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục kéo dài chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp lên 5 phiên và vẫn ở mức cao nhất 7 tuần khi giới đầu tư nhận thấy rằng, không có thêm yêu sách thương mại nào từ Mỹ trong cuộc gặp mặt mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp sau chuỗi giảm mạnh trước đó nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, khai mỏ khi giá dầu và kim loại tăng.

Kết thúc phiên 19/4, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 32,98 điểm (+0,15%), lên 22.191,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 424,19 điểm (+1,40%), lên 30.708,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,98 điểm (+0,84%), lên 3.117,38 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này có mức tăng khá tốt trong phiên Á, nhưng bước vào nửa cuối phiên Âu, giá vàng điều chỉnh và đóng cửa phiên giao dịch Mỹ giảm nhẹ do áp lực chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư và đồng USD tiếp tục tăng lên mức cao nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 19/4, giá vàng giao ngay giảm 3,9 USD/ounce (-0,29%), xuống 1.345,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 4,7 USD/ounce (-0,35%), xuống 1.348,8 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Tư nhờ những thông tin tích cực về kho dự trữ của Mỹ giảm, Ả Rập Xê út giữ sản lượng thấp, giá dầu thô tiếp tục tăng khi mở cửa phiên thứ Năm lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư và đồng USD tăng đã khiến giá loại nhiên liệu này đảo chiều, trong đó giá dầu thô Mỹ giảm nhẹ trở lại, còn giá dầu thô Brent hãm đà tăng.

Kết thúc phiên 19/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,18 USD (-0,26%), xuống 68,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,30 USD (+0,41%), lên 73,78 USD/thùng.

Tin bài liên quan