Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng trở lại sau phiên hưng phấn

(ĐTCK) Sau phiên hưng phấn hôm thứ Ba (23/4), giúp phố Wall thiết lập đỉnh lịch sử, giới đầu tư đã thận trọng trở lại trong phiên thứ Tư (24/4) để chờ đợi thêm kết quả kinh doanh.

Sau khi lập đỉnh lịch sử trong phiên thứ Ba, phố Wall đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên thứ Tư do nhóm cổ phiếu năng lượng quay đầu giảm theo giá dầu thô và nhà đầu tư thận trọng trở lại để chờ đợi thêm kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố.

Lợi nhuận của các công ty S & P 500 dự kiến sẽ giảm 1,1% trong quý I/2019, vẫn là một sự cải thiện lớn từ mức giảm 2,3% ước tính vào đầu tháng Tư. Gần 78% trong số 129 công ty đã báo cáo cho đến nay đã vượt qua ước tính thu nhập, theo dữ liệu của Refinitiv.

Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Dow Jones giảm 59,34 điểm (-0,22%), xuống 26.597,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,43 điểm (-0,22%), xuống 2.927,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,81 điểm (-0,23%), xuống 8.102,01 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi các thị trường khác quay đầu giảm do cổ phiếu năng lượng và lo ngại Trung Quốc làm chậm tốc độ nới lỏng tiền tệ, thì chứng khoán Đức lại có phiên tăng thứ 9 liên tiếp lên mức cao nhất 6 tháng rưỡi. Chứng khoán Đức tăng nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu SAP tăng 12,6% lên mức cao nhất mọi thời đại, kéo nhóm cổ phiếu công nghệ tăng theo.

Kết thúc phiên 24/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,52 điểm (-0,68%), xuống 7.471,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 77,65 điểm (+0,63%), lên 12.313,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 15,62 điểm (-0,28%), xuống 5.576,06 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính đều giảm điểm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi mùa công bố kết quả kinh doanh quý I, nhưng mức giảm không lớn. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn đảo chiều hồi nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 59,74 điểm (-0,27%), xuống 22.200,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,02 điểm (+0,01%), lên 3.201,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,41 điểm (-0,53%), xuống 29.805,83 điểm.

Trong khi đó, giá vàng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư khi chứng khoán quay đầu giảm. Đà tăng không quá lớn do đồng USD tăng lên mức cao nhất nhiều tháng.

Kết thúc phiên 24/4, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,30%), lên 1.276,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,2 USD (+0,49%), lên 1.279,4 USD/ounce.

Giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại từ mức cao nhất 6 tháng sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 5,5 triệu thùng, vượt xa con số dự báo tăng 1,3 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 24/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,41 USD (-0,62%), xuống 65,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,08%), lên 74,57 USD/thùng.

Tin bài liên quan