Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng sau phiên hưng phấn

(ĐTCK) Sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, giới đầu tư đã thận trọng trở lại trong phiên cuối tuần để chờ đợi tín hiệu rõ ràng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và căng thẳng Mỹ - Iran.

Sau chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, phố Wall lình xình trở lại trong phiên cuối tuần và đóng cửa giảm nhẹ do chịu các tác động trái chiếu.

Việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hoãn bài phát biểu về chính sách của Trung Quốc làm tăng sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng giới đầu tư lại thận trọng trước căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy lệnh tấn công Iran để trả đũa việc Teheran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, nhưng khả năng trả đũa của Mỹ vẫn được bỏ ngỏ. Điều này được thể hiện khi Mỹ tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Dow Jones giảm 34,04 điểm (-0,13%), xuống 26.719,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,72 điểm (-0,13%), xuống 2.950,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,63 điểm (-0,24%), xuống 8.031,71 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh trước đó, phố Wall đã có tuần tăng mạnh và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,41%, chỉ số S&P 500 tăng 2,20% và chỉ số Nasdaq tăng 3,01%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu y tế, truyền thông và công nghệ sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt với nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc sau Huawei.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,94 điểm (-0,23%), xuống 7.407,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 15,47 điểm (-0,13), xuống 12.339,92 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,23 điểm (-0,13%), xuống 5.528,33 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và mức tăng mạnh hơn nhiều so với tuần trước đó. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,84%, chỉ số DAX tăng 2,01% và chỉ số CAC40 tăng 2,99%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông điều chỉnh khi giới đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc, thì các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lại đặt kỳ vọng lớn vào việc 2 nước nối lại đàm phán nên duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 204,22 điểm (-0,95%), xuống 21.258,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,86 điểm (+0,50%), lên 3.001,98  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 76,72 điểm (-0,27%), xuống 28.473,71 điểm.

Dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng có được tuần điểm thứ 3 liên tiếp, trong đó chứng khoán Hồng Kông thậm chí còn có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,67%, chỉ số Hang Seng tăng 5,00% và chỉ số Shanghai cũng tăng 4,16%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Với những căng thẳng leo thang, cùng với khả năng các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng trong rổ tiền tệ giúp giá vàng tiếp tục tăng cao lên mức cao nhất 6 năm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 21/6, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD (+0,80%), lên 1.399,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 6,1 USD (+0,44%), lên 1.403,0 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 4,32%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi giá vàng tương lai quay đầu tăng mạnh 4,29% sau tuần điều chỉnh nhẹ 0,06% trước đó.

Với những căng thẳng leo thang, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng tuần tới, nhưng mức kỳ vọng thấp hơn tuần trước khi giá vàng đã leo lên mức cao nhất 6 năm, làm gia tăng khả năng chốt lời.

Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời, có 12 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 67%, thấp hơn so với mức 73% của tuần trước. Có 3 người dự báo giá sẽ đi ngang và giảm, chiếm 17%, cao hơn mức 14% của tuần trước.

Tương tự, trong 936 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 616 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 66%, thấp hơn so với con số 70% của tuần trước, 196 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 21%, thấp hơn chút ít so với mức 22% của tuần trước và 124 người dự báo giá đi ngang, chiếm 13%.

Căng thẳng leo thang sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ khiến giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần và có tuần tăng

Kết thúc phiên 21/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,36 USD (+0,63%), lên 57,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,75 USD (+1,15%), lên 65,20 USD/thùng.

Chuỗi tăng giá mạnh trong tuần đã giúp giá dầu thô hồi phục mạnh trong tuần qua sau tuần giảm trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô WTI tăng 9,37% sau khi giảm 2,74% tuần trước đó, giá dầu thô Brent tăng 8,65% sau tuần giảm 5,18% trước đó.

Tin bài liên quan