Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng chờ kết quả bầu cử của Mỹ

(ĐTCK) Dù thăm dò trước thềm bầu cử và những cử tri tại các điểm bầu cử cho thấy, Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện, trong khi Đảng Dân chủ sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, nhưng giới đầu tư vẫn thận trọng, bởi có thể bất ngờ sẽ xảy ra.

Trong ngày thứ Ba (6/11), cử tri Mỹ chính thức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Theo các cuộc thăm dò trước và ngay tại các điểm bầu cử, Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện, thậm chí còn ở mức lớn hơn. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ có thể sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trong phiên thứ Ba, bởi bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Dù phố Wall tăng khá tốt cuối phiên và đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, nhưng thanh khoản thị trường lại ở mức rất thấp, giảm tới hơn 20% so với mức trung bình của 20 phiên gần nhất.

Theo giới phân tích, nếu Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả 2 viện, bán tháo ngắn hạn sẽ diễn ra, còn nếu Đảng Cộng họa vẫn nắm 2 viện như hiện tại, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh, bởi các chính sách giảm thuế mà Đảng Cộng hòa đang thực hiện.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Dow Jones tăng 173,31 điểm (+0,68%), lên 25.635,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,14 điểm (+0,63%), lên 2.755,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 47,11 điểm (+0,64%), lên 7.375,96 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, thận trọng trước khi có kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội của Mỹ, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm nhẹ hôm thứ Ba.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,16 điểm (-0,89%), xuống 7.040,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,62 điểm (-0,09%), xuống 11.484,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,20 điểm (-0,51%), xuống 5.075,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục tốt trở lại nhờ phản ứng với đà tăng của phố Wall phiên trước đó, nhưng thanh khoản cũng giảm mạnh khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trái chiều, nhưng biến động không mạnh khi nhà đầu tư cũng đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 284,76 điểm (+1,14%), lên 22.147,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,07 điểm (-0,23%), xuống 2.659,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 186,57 điểm (+0,72%), lên 26.120,96 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi đồng USD tăng nhẹ, chứng khoán tăng và nhà đầu tư thận trọng đợi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ.

Kết thúc phiên 6/11, giá vàng giao ngay giảm 4,1 USD (-0,33%), xuống 1.226,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 6 USD/ounce (-0,49%), xuống 1.226,3 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Ba, trong đó giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp nhất 8 tháng khi Iran cho biết, nước này có thể bán được lượng dầu như họ mong muốn sau khi Mỹ chính thức áp các lệnh trừng phạt lên quốc gia hồi giáo này từ thứ Hai (5/11). Iran kêu gọi EU hành động nhiều hơn để phản đối lệnh cấm vận của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và giao thông của Iran và đe dọa đưa mức xuất khẩu dầu thô của Iran về mức 0. Tuy nhiên, trong lệnh trừng phạt này, Mỹ miễn giảm 180 cho 8 nhà nhập khẩu là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Đài Bắc (Trung Hoa) và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này chiếm tới 3/4 lượng dầu xuất khẩu của Iran theo đường biển.

Kết thúc phiên 6/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,40 USD (-2,22%), xuống 61,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,52 USD (-2,08%), xuống 71,65 USD/thùng.

Tin bài liên quan