Giới đầu tư thận trọng chờ động thái chính thức của ông Trump

Giới đầu tư thận trọng chờ động thái chính thức của ông Trump

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, chứng khoán Âu, Mỹ giằng co trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư thận trọng trước tuyên bố sẽ áp thuế lên gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của ông Trump.

Chứng khoán Mỹ chủ yếu giằng co nhẹ trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa trái chiều. Trong đó, chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm nhẹ do ảnh hưởng từ một số cổ phiếu lớn như Travellers do ảnh hưởng của cơn bão lớn sắp đổ bộ, hay cổ phiếu UnitedHealth sau khi bị Citigroup hạ mức đánh giá. Trong khi đó, dù chịu áp lực từ đà giảm của Apple, nhưng S&P 500 và Nasdaq vẫn đảo chiều hồi phục chấm dứt chuỗi giảm 4 ngày.

Về các thông tin đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đánh thuế lên gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc thề sẽ đáp trả nếu Mỹ áp dụng chương trình thuế này. Thông tin này cũng có tác động không nhỏ lên tâm lý các nhà đầu tư và giới đầu tư thận trọng để chờ quyết định chính thức từ chính quyền Tổng thống Trump.

Còn trong nội bộ kinh tế Mỹ, đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ có kế hoạch công bố cắt giảm thuế trong tuần này, nhằm tăng cường chương trình cải cách thuế năm 2017 của ông Trump đã thêm 1.500 tỷ USD vào thâm hụt liên bang thông qua cắt giảm thuế vĩnh viễn cho các công ty Mỹ.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones giảm 59,47 điểm (-0,23%), xuống 25.857,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,45 điểm (+0,19%), lên 2.877,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,62 điểm (+0,27%), lên 7.924,16 điểm.

Trong khi đó, chưng skhoans châu Âu lại đồng loạt hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới sau khi ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Italia làm giảm bớt mối lo về kế hoạch chi tiêu của chính phủ nước này, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng Italia tăng tốt và lan ra cả khu vực.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,60 điểm (+0,02%), lên 7.279,30 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 26,71 điểm (+0,22%), lên 11.986,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,42 điểm (+0,33%), lên 5.269,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại sau khi tốc độ tăng trưởng GDP quý II được điều chỉnh lên thành 3% so với con số 1,9% như công bố trước đó. Đây là mức tăng GDP theo quý tốt nhất kể từ quý I/2016 và vượt qua mức dự báo 2,6% của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, việc ông Trump dọa đánh thuế lên gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông lao dốc trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 66,03 điểm (+0,03%), lên 22.373,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 360,05 điểm (-1,33%), xuống 26.613,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,82 điểm (-1,21%), xuống 2.669,48 điểm.

Trên thị trường vàng, do không có thông tin nào đủ lớn tác động, nên giá vàng cũng chỉ lình xình trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa gần như không đổi. Dù đồng USD hạ nhiệt hỗ trợ cho giá vàng, nhưng sự ổn định của các thị trường tiền tệ, tài chính, cùng nỗi lo cuộc chiến thương mại khiến nhà đầu tư thận trọng với các loại hàng hóa kim loại.

Kết thúc phiên 10/9, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,07%), xuống 1.195,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2 USD/ounce (-0,17%), xuống 1.199,8 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục trái chiều trong phiên đầu tuần mới khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm khi dữ liệu hàng tuần từ Bloomberg cho rằng, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng lên, trái ngược với một báo cáo trước đó của hãng cung cấp thông tin năng lượng Genscape dự báo hàng tồn kho giảm. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tiếp tục tăng khá tốt với diễn biến căng thẳng tại Iraq.

Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,26 USD (-0,38%), xuống 67,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+0,69%), lên 77,36 USD/thùng.

Tin bài liên quan