Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư phập phồng đợi kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Vòng đám phán thương mại tiếp theo kéo dài 2 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào thứ Năm (9/5) và giới đầu tư đang phập phồng chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán này.

Hôm thứ Năm, phái đoàn của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã tới Washington để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ. Cuộc đàm phán kéo dài trong 2 ngày thứ Năm và thứ Sáu (10/5).

Giới đầu tư đang chờ đợi những đột phá trong cuộc đàm phán này, nếu không cuộc chiến sẽ leo thang trở lại khi Mỹ chính thức tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 10% lên 25% bắt đầu tư ngày 10/5. Trong khi Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ tăng thuế.

Chờ đợi kết quả chính thức từ cuộc đàm phán này nên giới đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro như chứng khoán, khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, đà giảm đã được hãm lại cuối phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã nhận được lá thư tuyệt đẹp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giúp giới đầu tư kỳ vọng vào thỏa thuận sẽ đạt được trong tuần này.

Thậm chí, ngay cả khi Mỹ đánh thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một số nhà giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng, một thỏa thuận là trong tầm tay.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 138,97 điểm (-0,54%), xuống 25.828,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,70 điểm (-0,30%), xuống 2.870,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,73 điểm (-0,41%), xuống 7.910,59 điểm.

Tương tự, sau khi may mắn thoát hiểm trong phiên thứ Tư nhờ đóng cửa trước câu Tweet của ông Trump mấy tiếng, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt quay đầu lao dốc trở lại trong phiên thứ Năm do nỗi lo mới về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,59 điểm (-0,87%), xuống 7.207,41 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 206,01 điểm (-1,69%), xuống 11.973,92 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 104,43 điểm (-1,93%) xuống 5.313,16 điểm.

Lo lắng về sự gia tăng căng thẳng mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, trong đó chứng khoán Trung Quốc xuống mức thấp nhất 11 tuần, chứng khoán Hồng Kông lao dốc mạnh khi mất gần 2,4%.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 200,46 điểm (-0,93%), xuống 21.402,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,80  điểm (-1,48%), xuống 2.850,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 692,13 điểm (-2,39%), xuống 28.311,07 điểm.

Việc nhà đầu tư né tránh các tài sản rủi ro như chứng khoán đề phòng ngừa cuộc chiến thương mại giúp cho các tài sản trú ẩn như vàng hưởng lợi. Do đó, trong phiên thứ Năm, giá vàng đã nhanh chóng hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó. Đồng USD giảm 0,21% cũng là lực hỗ trợ cho đà đi lên của giá vàng. Tuy nhiên, đà tăng có phần hạ nhiệt vào cuối phiên sau khi phát biểu của ông Trump tạo ra kỳ vọng cho cuộc đàm phán.

Kết thúc phiên 9/5, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD (+0,24%), lên 1.283,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,8 USD (+0,30%), lên 1.285,2 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô mở cửa phiên thứ Năm tiếp tục giảm khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhưng sau đó đã đảo chiều với những tín hiệu mới phát đi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó giá dầu thô Mỹ chỉ còn giảm nhẹ, còn giá dầu thô Brent đảo chiều thành công.

Kết thúc phiên 9/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,42 USD (-0,68%), xuống 61,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 70,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan