Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hồi hộp chờ Fed

(ĐTCK) Sau khi ECB có động thái mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed).

Hiện tại, giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (13/9), phố Wall chỉ lình xình trong biên độ hẹp, trong đó Dow Jones duy trì sắc xanh, còn S&P 500 và Nasdaq đảo chiều giảm nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed.

Trước đó, trong cuộc họp kết thúc hôm thứ Năm (12/9), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ giảm lãi suất 0,1%, mức mạnh hơn dự kiến, đưa mức lãi suất điều hành xuống -0,5%, đồng thời đưa ra chương trình mua trái phiếu mới ở mức cao nhất 3 năm.

Việc Mỹ và Trung Quốc có những động thái xuống thang căng thẳng thương mại giúp thị trường đã có những phiên tăng giá trước đó, nhưng vẫn chưa có gì cụ thể cho đến khi 2 bên tiến hành vòng đám phán tiếp theo vào đồng tháng 10 tới.

Trong phiên cuối tuần, Nasdaq giảm do áp lực từ cổ phiếu Apple sau khi Goldman Sachs cắt giảm mục tiêu giá với cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone.

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones tăng 37,07 điểm (+0,14%), lên 27.219,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,18 điểm (-0,07%), xuống 3.007,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,75 điểm (-0,22%), xuống 8.176,71 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jone tăng 1,58%, chỉ số S&P 500 tăng 0,96% và Nasdaq composite tăng 0,91% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp của phố Wall.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần nhờ quyết định cắt giảm lãi suất sâu hơn dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và gia tăng chương trình mua trái phiếu của cơ quan này trước đó. Với chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,79 điểm (+0,31%), lên 7.367,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 58,28 điểm (+0,47%), lên 12.468,53 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,60 điểm (+0,22%), lên 5.655,46 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,17%, chỉ số DAX tăng 2,27% và chỉ số CAC40 tăng 0,92%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc nghỉ Tết Trung thu, thì chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông đều tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đều có động thái xuống thang giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất 4 tháng qua.

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 228,68 điểm (+1,05%), lên 21.988,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 265,06 điểm (+0,98%), lên 27.352,69 điểm.

Nhờ việc Mỹ - Trung xuống thang trước vòng đàm phán thương mại mới, chứng khoán châu Á có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,72%, chỉ số Hang Seng tăng 2,48% và chỉ số Shanghai composite tăng 1,05%.

Việc Mỹ - Trung cùng xuống nước để giảm căng thẳng thương mại đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng giảm đi, qua đó đẩy giá kim loại quý này giảm mạnh trong phiên cuối tuần và qua đó có tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/9, giá vàng giao ngay giảm 10,9 USD (-0,73%), xuống 1.487,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,7 USD (-0,78%), xuống 1.495,7 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,23%, giá vàng tương lai giảm 1,27%.

Với những diễn biến mới, giới chuyên gia lại có cái nhìn thận trọng trở lại với giá vàng, trong khi nhà đầu tư vẫn duy trì sự lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 8 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 47%, thấp hơn con số 60% của tuần trước, 5 người dự báo giảm, chiếm 29%, cao hơn con số 20% của tuần trước và 4 người dự báo đi ngang, chiếm 24%.

Trong khi đó, trong 1.500 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến – mức cao mới trong 1 năm qua, có 914 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 61%, cao hơn so với con số 58% của tuần trước; 346 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 23%, thấp hơn so với mức 25% của tuần trước và 240 người dự báo giá đi ngang, chiếm 16%.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp, qua đó chấm dứt chuỗi 2 và 4 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, với diễn biến mới về việc các mỏ dầu của Ả Rập Xê út bị tấn công, nhiều khả năng giá dầu thô sẽ tăng vọt trở lại trong tuần mới.

Kết thúc phiên 13/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-0,44%), xuống 54,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD (-0,27%), xuống 60,22 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ đảo chiều giảm 2,95% và giá dầu thô Brent cũng đảo chiều giảm 2,14%.

Tin bài liên quan