Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hoảng loạn, bán tháo

(ĐTCK) Tưởng chừng sự hy vọng đã thắp lại với giới đầu tư sau phiên hồi phục cuối tuần qua (10/5), nhưng sự hoảng loạn và bán tháo một lần nữa xảy ra trong phiên đầu tuần mới (13/5) khi Trung Quốc đưa ra đòn trả đũa Mỹ.

Trong phiên cuối tuần trước, hy vọng đã được thắp lên với nhà đầu tư về khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ đạt được dù vòng đàm phán kết thúc hôm thứ Sáu (10/5) giữa 2 nước không đạt được thỏa thuận nào và Mỹ đã chính thức áp thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 10/5.

Hy vọng thắp lên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính mỹ Steven Mnuchin cho biết cuộc đàm phán mang tính xây dựng và gia hạn 1 tháng để 2 nước có được thỏa thuận, dù thời gian đàm phán tiếp theo không được xác định.

Tuy nhiên, hy vọng này đã nhanh chóng biến thành sự hoảng sợ trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng việc chính thức tăng thuế từ ngày 1/6 tới với 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.

Cụ thể, theo thông báo trên website Bộ Tài chính Trung Quốc, thuế trả đũa có 4 mức. Khoảng 2.500 hàng hóa bị nâng thuế từ 10% lên 25%. Hơn 1.000 sản phẩm nâng từ 10% lên 20%. 974 sản phẩm nâng từ 5% lên 10%. Gần 600 sản phẩm khác được giữ nguyên mức thuế hiện tại là 5%.

Sự hoảng loạn đã kích hoạt lệnh bán tháo xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ, kéo các chỉ số lao dốc mạnh ngay khi mở cửa và không có cơ hội nào để hãm đà rơi trong suốt phiên.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 617,38 điểm (-2,38%), xuống 25.324,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 69,53 điểm (-2,41%), xuống 2.811,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 269,92 điểm (-3,41%), xuống 7.647,02 điểm.

Tương tự, dù mở cửa khá tích cực, nhưng sau khi Trung Quốc đưa ra thông tin về việc áp thuế trả đũa Mỹ, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 39,61 điểm (-0,55%), xuống 7.163,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 183,18 điểm (-1,52%), xuống 11.876,65 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 64,68 điểm (-1,22%) xuống 5.262,57 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm điểm do tâm lý lo ngại về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đi vào ngõ cụt khi cả 2 nước đều tỏ ra cứng rắn. Sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và đe dọa áp mức thuế này với tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Trung Quốc đã có động thái đáp trả khi nâng thuế với hàng nghìn hàng hóa trị giá 60 tỷ USD từ Mỹ từ 1/6.

Động thái cứng rắn của 2 bên khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 6 liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tục có phiên giảm mạnh và đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 153,64 điểm (-0,72%), xuống 21.191,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,50 điểm (-1,21%), xuống 2.903,71 điểm.

Trong khi thị trường chứng khoán bị bán tháo do lo lắng về cuộc chiến thương mại leo thang, thì vàng trở thành kênh trú ẩn được nhà đầu tư tìm đến, giúp giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 13/5, giá vàng giao ngay tăng 13,8 USD (+1,07%), lên 1.299,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 15 USD (+1,17%), lên 1.301,8 USD/ounce.

Lo lắng về căng thẳng thương mại cũng khiến giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà giảm được hãm lại khi lo ngại về việc tấn công các tàu trở dầu ở Trung Đông khiến nguồn cung bị gián đoạn.

Kết thúc phiên 13/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,62 USD (-1,00%), xuống 60,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,39 USD (-0,55%), xuống 70,23 USD/thùng.

Tin bài liên quan