Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hồ hởi xuống tiền sau tin tích cực

(ĐTCK) Nhận thông tin lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, thỏa thuận về an ninh biên giới của Mỹ, chứng khoán toàn cầu đã có phiên giao dịch khởi sắc ngày thứ Ba (12/2).

Sau 2 phiên lình xình để chờ đợi các thông tin về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cùng cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo quốc hội của 2 đảng về vấn đề tài chính an ninh biên giới để tránh Chính phủ Mỹ đóng cửa lần nữa, phố Wall đã có phiên bùng nổ khi những lo lắng được giải tỏa.

Trong phiên thứ Ba, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều có phiên tăng điểm mạnh nhất tháng sau khi lãnh đạo quốc hội của lưỡng đảng đạt được thỏa thuận sơ bộ về an ninh biên giới, thực chất là vấn đề tài chính để xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico để tránh Chính phủ đóng cửa một lần nữa.

Dù thỏa thuận này còn phải vượt qua 2 cửa ải nữa là bỏ phiếu tại 2 viện của Quốc hội Mỹ và Tổng thống Donald Trump, nhưng thông tin này cũng đủ giúp giới đầu tư thở phào nhẹ nhõm để yên tâm xuống tiền vào cổ phiếu.

Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin Tổng thống Trump đưa ra hôm thứ Ba rằng, ông sẵn sàng lùi thời hạn chót cho cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc (ngày 1/3) khi phái đoàn của Mỹ trên đường đến Bắc Kinh để tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo.

Phát biểu tại cuộc họp nội các, ông Trump cho biết, nếu có thể đạt được một thỏa thuận tốt, thì chờ đợi thêm một chút cũng không sao.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 372,65 điểm (+1,49%), lên 25.425,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,93 điểm (+1,29%), lên 2.744,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 106,71 điểm (+1,46%), lên 7.414,62 điểm.

Tương tự, nhận những thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Ba. Ngoài ra, chứng khoán khu vực này còn được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ô tô sau kết quả kinh doanh tích cực của nhà sản xuất lốp của Pháp Michelin.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,03 điểm (+0,06%), lên 7.133,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 111,49 điểm (+1,01%), lên 11.126,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 41,88 điểm (+0,84%), lên 5.056,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, cũng nhờ nhóm cổ phiếu ô tô, chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh trong phiên giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Ngoài ra, đồng yên giảm so với đồng USD cũng hỗ trợ các cổ phiếu xuất khẩu, thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 2,6% trong phiên thứ Ba.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng K ông cũng duy trì được đà tăng nhờ những thông tin, cũng như kỳ vọng sự hỗ trợ một số ngành nghề của Bắc Kinh, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bảntăng 531,04 điểm (+2,61%), lên 20.864,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,00 điểm (+0,68%), lên 2.671,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 27,49 điểm (+0,01%), lên 27.171,33 điểm.

Trên thị trường vàng, việc đồng USD điều chỉnh, cùng giá dầu thô tăng trở lại đã hỗ trợ cho giá vàng tăng khá tốt đầu phiên thứ Ba. Tuy nhiên, khi phố Wall khởi sắc, cùng các thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại và thỏa thuận về vấn đề an ninh biên giới của Mỹ khiến đà tăng của giá vàng hạ nhiệt vào cuối phiên Mỹ.

Kết thúc phiên 12/2, giá vàng giao ngay tăng 2,6 USD (+0,2%), lên 1.310,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 2,1 USD (+0,16%), lên 1.314,0 USD/ounce.

Giá dầu tăng lại hơn 1% trong phiên thứ Ba sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, OPEC đã cắt giảm sản lượng mạnh vào tháng 1, trong đó thành viên lớn nhất của khối là Ả Rập Xê út cho biết, sẽ giảm sản lượng thêm 500.000 thùng trong tháng 3.

Sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng cho một bước đột phá trong vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới nhất cũng thúc đẩy giá dầu thô tăng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,69 USD (+1,32%), lên 53,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,48%), lên 62,42 USD/thùng.

Tin bài liên quan