Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hào hứng với kết quả kinh doanh của các ngân hàng

(ĐTCK) Sau phiên giảm trở lại đầu tuần, phố Wall đã có phiên giao dịch khởi sắc trong ngày thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng vừa được công bố.

Phố Wall trong những phiên gần đây thường có những biến động khá mạnh do tác động từ các thông tin liên quan tới lãi suất, chiến tranh thương mại và kết quả kinh doanh.

Trong phiên đầu tuần, phố Wall đã quay đầu giảm điểm do tác động của nhóm cổ phiếu công nghệ sau phiên hồi phục tốt cuối tuần trước. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Ba, các chỉ số chính của phố Wall đã đồng loạt khởi sắc tăng từ hơn 2% đến gần 3% nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng sau kết quả kinh doanh khả quan của một số ngân hàng vừa công bố.

Cụ thể, theo kết quả kinh doanh vừa công bố của Morgan Stanley, thu nhập mỗi cổ phiếu của ngân hàng này trong quý III/2018 đạt 1,17 USD, cao hơn mức kỳ vọng 1,01 USD của giới phân tích. Lợi nhuận trong quý III của Ngân hàng đạt 2,11 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, giúp giá cổ phiếu tăng 5,8% trong phiên thứ Ba.

Ngoài Morgan Stanley, Goldman Sachs cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III khi đạt 6,28 USD/cổ phiếu, đánh bại dự báo của giới phân tích là 5,38 USD/cổ phiếu, lợi nhuận ròng đạt 2,52 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh khả quan này cũng giúp cổ phiếu Goldman Sachs tăng 3% trong phiên thứ Ba.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp khác vừa công bố cũng khả quan hơn dự báo như UnitedHealth Group Inc., Johnson & Johnson.

Trong khi đó, dù giảm kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, nhưng cổ phiếu của đại gia bán lẻ Walmart vẫn tăng 2,1% trong phiên thứ Ba, góp phần giúp phố Wall có phiên khởi sắc.

Không chỉ các cổ phiếu ngân hàng, các đại gia công nghệ như Alphabet (Google), Amazon, Netflix cũng có phiên khởi sắc, giúp Nasdaq tăng tới gần 3%.

Ngoài ra, phố Wall còn nhận được thông tin tích cực từ dữ liệu kinh tế tích cực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 9 nhờ sản lượng khai thác và sản xuất tăng, trong khi các dữ liệu khác cho thấy việc làm đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Dow Jones tăng 547,87 điểm (+2,17%), lên 25.798,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 59,13 điểm (+2,15%), lên 2.809,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 214,75 điểm (+2,89%), lên 7.645,49 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù mở cửa lình xình gần tham chiếu, nhưng sau đó, khi phố Wall mở cửa tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan của Morgan Stanley và Goldman Sachs, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu cũng tăng vọt.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,18 điểm (+0,43%), lên 7.059,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 162,39 điểm (+1,40%), lên 11.776,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 77,98 điểm (+1,53%), lên 5.173,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực cầu bắt đáy khi giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục tốt trở lại. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm sau khi S&P Global Ratings cho biết, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có tháng thứ 3 liên tiếp ở mức thấp trong tháng 9, cho thấy sức mua kém trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Ngoài ra, cũng theo hãng này, nợ địa phương của Trung Quốc có thể lên đến 40.000 tỷ NDT (5.780 tỷ USD) và số tiền này là “một tảng băng nợ với rủi ro cao”.

Rủi ro từ Trung Quốc đại lục khiến đà hồi phục của chứng khoán Hồng Kông bị hãm lại đáng kể, đóng cửa Hang Seng gần như không đổi, dù đầu phiên tăng điểm khá mạnh, lên mức 25.700 điểm.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 277,94 điểm (+1,25%), lên 23.549,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,77 điểm (-0,85%), xuống 2.546,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 17,20 điểm (+0,07%), lên 25.462,26 điểm.

Trên thị trường vàng, đà tăng của giá kim loại quý tiếp tục được duy trì trong phiên châu Á và châu Âu, lên ngưỡng 1.230 USD. Tuy nhiên, khi bước vào phiên Mỹ, đà khởi sắc của chứng khoán, cùng áp lực chốt lời khiến giá vàng quay đầu và đóng cửa với mức giảm nhẹ, bất chấp đồng USD tiếp tục giảm, cũng như quan hệ có khả năng rạn nứt giữa 2 đồng minh Mỹ và Ả Rập Xê út sau khi một nhà báo Ả Rập Xê út sống lưu vong tại Mỹ mất tích khi vào Lãnh sự quan Ả Rập Xê út tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết thúc phiên 16/10, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,18%), xuống 1.224,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 0,7 USD/ounce (+0,06%), lên 1.231,0 USD/ounce.

Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, nguy cơ rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê út sau vụ 1 nhà báo mất tích tiếp tục trợ giúp cho giá dầu thô.

Kết thúc phiên 16/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,37 USD (+0,52%), lên 72,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,78 USD (+0,97%), lên 81,56 USD/thùng.

Tin bài liên quan