Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hào hứng với kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase & Co giúp giới đầu tư hào hứng trong phiên giao dịch cuối tuần qua (12/4).

Mùa công bố báo cáo tài chính quý I/2019 của các doanh nghiệp niêm yết Mỹ bắt đầu tư thứ Sáu tuần qua (12/4) với “phát súng đầu tiên” là ngân hàng lớn nhất của Mỹ JPMorgan Chase.

Theo báo cáo vừa công bố, trong quý đầu tiên của năm 2019, lợi nhuận của JPMorgan Chase tốt hơn mong đợi vì thu nhập lãi cao hơn và lợi nhuận trong hoạt động tư vấn, bảo lãnh nợ của bù đắp sự yếu kém trong giao dịch.

Kết quả này không chỉ giúp cổ phiếu JPMorgan tăng 4,7%, dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà còn lan tỏ niềm tin cho nhà đầu tư vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý I, vốn bị dự đoán sẽ là quý đầu tiên có sự sụt giảm lợi nhuận (giảm 2,5% so với cùng kỳ) kể từ năm 2016.

Bên cạnh đó, thông tin tích cực từ xuất khẩu Trung Quốc và triển vọng cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung giúp giới đầu tư có phiên giao dịch hứng khởi cuối tuần, trong đó S&P 500 và Nasdaq chỉ còn đỉnh cao mọi thời đại khoảng 1,5%. Trong khi đó, Dow Jones tăng mạnh nhất nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Walt Disney Co với mức tăng 11,5% lên mức giá cao nhất mọi thời đại khi giá dịch vụ phát trực tuyến sắp tăng.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Dow Jones tăng 269,25 điểm (+1,03%), lên 26.412,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,09 điểm (+0,66%), lên 2.907,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,80 điểm (+0,46%), lên 7.984,16 điểm.

Phiên tăng điểm cuối tuần giúp S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, trong khi Dow Jones dù tăng điểm mạnh phiên cuối tuần, cũng không thể thoát khỏi tuần điều chỉnh giảm điểm sau khi tăng 1,91% tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,05%, trong khi S&P 500 tăng 0,51% và Nasdaq Composite tăng 0,57%.

Kết quả kinh doanh tích cực của JPMorgan Chase và dữ liệu xuất nhập khẩu tích cực của Trung Quốc cũng giúp chứng khoán châu Âu có sắc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,11 điểm (+0,26%), lên 7.437,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 64,73 điểm (+0,54%), lên 11.999,93 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 16,99 điểm (+0,31%), lên 5.502,70 điểm.

Dù tăng điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng những phiên điều chỉnh mạnh trước đó khiến chứng khoán Anh, Đức điều chỉnh nhẹ sau tuần tăng mạnh trước đó, còn chứng khoán Pháp có tuần tăng điểm thứ thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,13%, chỉ số DAX giảm 0,08%, còn chỉ số CAC 40 tăng 0,48%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giao dịch chậm lại khi nhà đầu tư thận trọng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ 10 nhân dịp lễ đăng quang của Nhật Hoàng mới. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông trái chiều, nhưng mức biến động không mạnh trong phiên cuối tuần nhờ xuất khẩu của Trung Quốc tốt hơn dự kiến, bù đắp những lo lắng sự chậm lại của kinh tế trước đó.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 159,18 điểm (+0,73%), lên 21.870,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,34 điểm (-0,04%), xuống 3.188,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 70,31 điểm (+0,24%), lên 29.909,76 điểm.

Phiên tăng điểm cuối tuần giúp chỉ số Nikkei 225 duy trì đà tăng tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,29%, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông quay đầu điều chỉnh, trong đó chứng khoán Trung Quốc giảm khá mạnh. Cụ thể, chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 0,09%, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 1,78%.

Trên thị trường vàng, dù đồng USD giảm khá mạnh, nhưng chứng khoán tăng mạnh, cùng dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc khiến giá vàng không thể hồi phục sau phiên giảm mạnh trước đó, mà chỉ lình xình trong biên độ hẹp trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 12/4, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD (-0,16%), xuống 1.289,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.293,5 USD/ounce.

Phiên giảm mạnh hôm thứ Năm đã khiến giá vàng có tuần giảm, dù tăng tốt trong những p hiên đầu tuần. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,12%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 6 đảo chiều giảm 0,39% sau khi tăng 0,60% tuần trước.

Với các dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố, giới phân tích có cái nhìn khá tiêu cực về xu hướng giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư lại có cái nhìn khả quan hơn.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 6 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 38%, thấp hơn so với con số 54% của tuần trước; có 6 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 38%, cao hơn so nhiều so với con số 23% của tuần trước và 4 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 25%.

Trong khi đó, trong 568 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 299 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm  53%, cao hơn so với con số 45% của tuần trước; 170 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 30%, thấp hơn so con số 36% của tuần trước và 99 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 17%.

Giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ sự hỗ trợ của việc nguồn cung bị cắt giảm từ Venezuela, Iran và chiến sự tại Lybia.

Kết thúc phiên 12/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,31 USD (+0,49%), lên 63,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,72 USD (+1,01%), lên 71,55 USD/thùng.

Giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 1,28% trong tuần qua và giá dầu thô Brent cũng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,72% tuần qua.

Tin bài liên quan