Chứng khoán châu Âu có phiên khởi sắc sau quyết định của ECB. Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán châu Âu có phiên khởi sắc sau quyết định của ECB. Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư hân hoan với quyết định của ECB

(ĐTCK) Sau khi Fed khiến giới đầu tư e dè với quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và cho biết tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay, thì ECB lại khiến giới đầu tư hân hoan khi giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục cho tới ít nhất là giữa năm 2019.

Dư âm của quyết định tăng lãi suất của Fed trong phiên trước đó tiếp tục duy trì khi bước vào phiên thứ Năm. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất đến ít nhất giữa năm 2019 giúp S&P 500 và Nasdaq hồi phục, trong đó Nasdaq tăng mạnh và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Trong khi đó, với việc ECB giữ nguyên lãi suất, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, khiến Dow Jones không thể có được sắc xanh như 2 chỉ số con lại.

Dữ liệu mới công bố cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ tốt hơn dự kiến, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 44 năm rưỡi cho thấy sự lạc quan của Fed là có cơ sở và việc tăng lãi suất 3 hay 4 lần trong năm nay lại là tin tốt, bởi nó phản ánh nền kinh tế Mỹ vững mạnh.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 25,89 điểm (-0,10%), xuống 25.175,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,86 điểm (+0,25%), lên 2.782,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 65,34 điểm (+0,85%), lên 7.761,04 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc ECB đưa ra quyết định không tăng lãi suất cho tới giữa năm 2019 giúp giới đầu tư trên thị trường này hứng khởi, kéo các chỉ số tăng mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 62,08 điểm (+0,81%), lên 7.765,79 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 216,52 điểm (+1,68%), lên 13.107,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 75,74 điểm (+1,39%), lên 5.528,46 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phản ứng với quyết định tăng lãi suất của Fed, cùng sự lo lắng về chiến tranh thương mại khiến chứng các chỉ số chính trong khu vực đồng loạt chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Tư, còn chứng Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 227,77 điểm (-0,99%), xuống 22.738,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 284,98 điểm (-0,93%), xuống 30.440,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,64 điểm (-0,18%), xuống 3.044,16 điểm.

Giá vàng duy trì đà tăng khá tốt trong phiên thứ Năm, lên gần mức 1.310 USD/ounce trước khi hạ nhiệt nhẹ cuối phiên do đồng USD tăng mạnh sau quyết định giữ nguyên lãi suất của ECB.

Kết thúc phiên 14/6, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD (+0,24%), lên 1.301,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 7 USD (+0,54%), lên 1.308,3 USD/ounce.

Trong khi đó, sau khi đồng loạt tăng mạnh hôm thứ Tư sau dữ liệu sụt giảm kho dự trữ của Mỹ, giá dầu thô lại trái chiều trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp chính thức của OPEC để xem tổ chức này có nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.

Kết thúc phiên 14/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,25 USD (+0,37%), lên 66,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,80 USD (-1,05%), xuống 75,94 USD/thùng.

Tin bài liên quan