Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đặt cược vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Những phát biểu mới của Tổng thống Trump khiến giới đầu tư thắp lại kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết, qua đó giúp chứng khoán tăng điểm trong phiên cuối tuần qua (22/11).

Nói với Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là có khả năng rất gần. Trước đó, Bắc Kinh cũng cho biết, họ muốn ký một thỏa thuận giai đoạn 1 với Washington, sau các báo cáo rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể bị trì hoãn đến năm 2020.

Tiếp đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết, một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vẫn có thể vào cuối năm nay, nhưng cảnh báo Washington sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những gì xảy ra ở Hồng Kông.

Thông tin có tình mềm mỏng hơn được đưa ra từ 2 phía kiến giới đầu tư kỳ vọng trở lại về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nước sẽ được ký kết, nên giải ngân vào chứng khoán, giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Dow Jones tăng 109,33 điểm (+0,39%), lên 27.875,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,75 điểm (+0,22%), lên 3.110,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 13,67 điểm (+0,16%), lên 8.519,88 điểm.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, phố Wall đã có tuần điều chỉnh sau chuỗi tuần tăng liên tiếp (Dow Jones là 4 tuần còn S&P và Nasdaq là 6 và 7 tuần liên tiếp). Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,46%, S&P 500 giảm 0,33% và Nasdaq giảm 0,25%.

Kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng với thông tin kinh tế tích cực từ Pháp và không tiêu cực như dự kiến của Đức giúp chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên cuối tuần. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động kinh doanh của Pháp tăng nhẹ trong tháng 11, trong khi điều kiện kinh doanh của Đức tiếp tục đi xuống, nhưng chậm hơn so với trước đó.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 88,26 điểm (+1,22%), lên 7.326,81 điểm. Chỉ số DAX tăng 26,18 điểm (+0,20%), lên 13.163,88 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,02 điểm (+0,20%), lên 5.893,23 điểm.

Phiên hồi phục mạnh cuối tuần đã giúp chứng khoán Anh lấy lại hết những gì đã mất trong các phiên trước đó để có tuần hồi nhẹ trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Trong khi mức tăng nhẹ của chứng khoán Đức và Pháp không giúp các thị trường này tránh khỏi tuần điều chỉnh, chấm dứt chuỗi 6 tuần và 4 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,33%, trong khi chỉ số DAX giảm 0,59% và chỉ số CAC 40 giảm 0,78%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc hồi phục trở lại khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ, thì chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm điểm khi nhà đầu tư Trung Quốc không mấy lạc quan về quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 74,30 điểm (+0,32%), lên 23.112,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,35 điểm (-0,63%), xuống 2.885,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 128,20 điểm (+0,48%), lên 26.595,08 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,36 điểm (+0,26%), lên 2.101,96 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản không tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều hồi phục hơn 1% sau khi mất gần 4,8% tuần trước đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm, còn chứng khoán Hàn Quốc chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh gần 2,8%. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,82%, chỉ số Hang Seng tăng 1,02%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,21%, chỉ số Kospi giảm 2,79%.

Kỳ vọng mới về thỏa thuận thương mại khiến giá vàng hạ nhiệt trở lại trong nửa cuối phiên cuối tuần trước sau khi tăng tốt đầu phiên.

Kết thúc phiên 22/11, giá vàng giao giảm 2,8 USD (-0,19%), xuống 1.461,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 không đổi, đứng ở mức 1.463,6 USD/ounce.

Sau tuần hồi phục trước đó, giá vàng nhanh chóng giảm trở lại trong tuần qua, dù mức giảm không quá mạnh. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,46%, giá vàng tương lai giảm 0,33%.

Giới phân tích tiếp tục vẫn có cái nhìn thận trọng về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư cũng không còn quá lạc quan.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 5 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 31%, thấp hơn so với con số 37,5% của tuần trước và bằng với tuần trước đó nữa; 6 người dự báo giảm, chiếm 38%, tương đương tuần trước và 5 người dự báo đi ngang, chiếm 21%.

Trong khi đó, trong 578 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 292 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 50%, thấp hơn nhiều so với con số 61% của tuần trước; 173 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 29%, cao hơn so với mức 22% của tuần trước và 121 người dự báo giá đi ngang, chiếm 21%.

Dù kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được thắp trở lại, nhưng nó đồng thời cũng kéo đồng USD tăng khiến giá dầu thô quay đầu điều chỉnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 22/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,81 USD (-1,40%), xuống 57,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,91%), xuống 63,39 USD/thùng.

Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó, giá dầu thô tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều tuần liền trước. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,09%, giá dầu thô Brent tăng 0,14%.

Tin bài liên quan