Giới đầu tư đang hoảng sợ

Giới đầu tư đang hoảng sợ

(ĐTCK) Nỗi lo suy thoái kinh tế bao trùm giới đầu tư trong phiên giao dịch cuối tuần qua (22/3), kéo chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ trong phiên thứ Sáu tuần trước với cả 3 chỉ số đều có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/1 khi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu dâng cao sau các báo cáo tiêu cực kinh tế của Mỹ và châu Âu được đưa ra.

Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 3 yếu hơn dự kiến, cùng với các báo cáo tương tự của châu Âu và Nhật Bản, khiến lãi suất trái phiêu Mỹ kỳ hạn 3 tháng vượt thời hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Đường cong lại suất đảo ngược này là dấu hiệu của rủi ro và được nhiều người coi là điềm báo tiềm năng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones giảm 460,19 điểm (-1,77%), xuống 25.502,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,17 điểm (-1,90%), xuống 2.800,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 196,29 điểm (-2,50%), xuống 7.642,67 điểm.

Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy hết những gì đã có trước đó, khiến phố Wall đồng loạt giảm điểm sau tuần hồi phục trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,34% sau khi tăng 1,57% trong tuần trước đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,77% sau khi tăng 2,89% trong tuần trước đó, Nasdaq cũng quay đầu giảm 0,60% sau khi tăng mạnh  3,78% trong tuần trước đó.

Dữ liệu kinh tế ảm đạm của châu Âu và Mỹ làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Âu, khiến các thị trường chính trong khu vực này cũng có phiên lao dốc mạnh cuối tuần, dù mở cửa với sắc xanh khi phản ứng tích cực với việc Brexit được gia hạn.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 147,72 điểm (-2,01%), xuống 7.207,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 185,79 điểm (-1,61%), xuống 11.364,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 108,92 điểm (-2,02%), xuống 5.269,92 điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu giảm điểm sau tuần tăng mạnh  trước đó. Trong đó, chỉ số FTSE giảm 0,29% sau khi tăng 1,74% tuần trước đó, chỉ số DAX giảm 2,75% sau khi tăng 1,99% tuần trước đó, còn chỉ số CAC 40 cũng mất 2,50% sau khi tăng mạnh 3,33% tuần trước đó.

Trong khi đó, nhờ đóng cửa trước chứng khoán Âu, Mỹ nên chứng khoán châu Á giao dịch lình xình trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 18,42 điểm (+0,08%), lên 21.627,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,69 điểm (+0,09%), lên 3.104,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 41,80 điểm (+0,14%), lên 29.113,36 điểm.

Do thoát phiên giảm mạnh cuối tuần nhờ đóng cửa trước chứng khoán Âu, Mỹ, nên chứng khoán châu Á vẫn duy trì được đà tăng tuần thứ 2 liên tiếp trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,82%, chỉ số Hang Seng tăng 0,35%, thậm chí Shanghai Composite tăng 2,73%.

Những do ngại về suy thoái kinh tế đã hỗ trợ cho giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần, giúp giá kim loại quý này tiếp tục duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 22/3, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,34%), lên 1.313,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 5 USD (+0,38%), lên 1.312,3 USD/ounce.

Với những thông tin tiêu cực về tăng trưởng kinh tế giúp giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,85%, giá vàng tương lai tăng 0,72%.

Với những tín hiệu kém tích cực của kinh tế, giới phân tích và nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn rất lạc quan với đà tăng của giá kim loại quý này.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 12 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 71%, cao hơn so với con số 64% của tuần trước; có 4 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 24%, thấp hơn so nhiều so với con số 29% của tuần trước và 1 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 6%.

Tương tự, trong 572 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 387 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 68%, cao hơn so với con số 58% của tuần trước; 127 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 22%, thấp hơn so con số 28% của tuần trước và 58 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 10%.

Dữ liệu kinh tế yếu kém đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần.

Kết thúc phiên 22/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,94 USD (-1,59%), xuống 59,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,83 USD (-1,24%), xuống 67,03 USD/thùng.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,89%, còn giá dầu thô Brent điều chỉnh nhẹ 0,19%.

Tin bài liên quan