Kết quả kinh doanh tiếp tục hỗ trợ phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Kết quả kinh doanh tiếp tục hỗ trợ phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Giá vàng tăng vọt cuối tuần, chứng khoán hồi nhẹ

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan giúp chứng khoán hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần, trong khi GDP của Mỹ thất vọng đã tạo động lực để giá vàng tăng vọt. Trong khi đó, giá dầu thô có tháng giảm mạnh nhất trong năm do lo ngại về dư cung.

Diễn biến phố Wall trong phiên cuối tuần giống như phiên thứ Năm khi Dow Jones giảm điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq có mức tăng nhẹ.

Trong ngày cuối tuần, dữ liệu kinh tế quan trọng đã được công bố, nhưng gây thất vọng. Theo đó, GDP quý II/2016 của Mỹ chỉ tăng 1,2%, chỉ nhỉnh hơn so với mức 1,1% của quý I một chút và thấp hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích và kỳ vọng của thị trường. Thông thường, GDP quý II của Mỹ cao hơn nhiều so với quý I và các dữ liệu kinh tế đưa ra trước đó cũng khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc GDP quý II năm nay của Mỹ cũng tương tự.

Dù dữ liệu GDP gây chút thất vọng, nhưng ngọai trừ Dow Jones có phiên giảm nhẹ tiếp theo do ảnh hưởng của cổ phiếu McDonald và Exxon khi cả 2 có kết quả kinh doanh kém khả quan, còn

S&P 500 và Nasdaq cùng duy trì đà tăng nhờ vào sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ với sự dẫn dắt của cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google. Đại gia công nghệ này sau khi đại gia này công bố kết quả kinh doanh khả quan trước đó. Sau khi tăng 4% trong phiên thứ Năm, cổ phiếu này tiếp tục tăng thêm 3,33% trong phiên cuối tuần. Cùng với đó, cổ phiếu Amazone cũng duy trì đà tăng mạnh và lên mức giá kỷ lục sau khi công bố kết quả lạc quan cho quý II.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones giảm 24,11 điểm (-0,13%), xuống 18.432,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,54 điểm (+0,16%), lên 2.173,60 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,15 điểm (+0,14%), lên 5.162,13 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,75%, S&P 500 giảm 0,07%, trong khi Nasdaq lại tăng 1,22%. Dù giảm nhẹ trở lại trong tuần cuối cùng của tháng, nhưng với những tuần tăng liên tiếp trước đó và liên tiếp thiết lập đỉnh cao lich sử mới, kết thúc tháng 7, Dow Jones vẫn tăng 2,8%, S&P 500 tăng 3,56% và Nasdaq tăng tới 6,6%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố khả quan, các thị trường chính trong khu vực đều đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh. Ngoài ra, thông tin về việc các ngân hàng vượt qua cuộc kiểm tra nợ xấu cũng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, bất chấp kết quả kinh doanh của một số kém khả qua, như cổ phiếu Barclays tăng 5,5% dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm giảm 21%.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,37 điểm (+0,05%), lên 6.724,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 62,57 điểm (+0,61%), lên 10.337,50 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 19,23 điểm (+0,44%), lên 4.439,81 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,09%, trong khi DAX tăng 1,87% và CAC 40 tăng 1,34%. Trong tháng 7, FTSE 100 tăng 3,38%, DAX tăng 6,79% và CAC 40 tăng 4,77%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau nhiều phiên giảm liên tiếp trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã tăng trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động cuối tuần nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bù đắp sự thất vọng về chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trong cuộc họp cuối tuần, BOJ mở rộng chương trình bơm tiền vào thị trường, nhưng chỉ mua các tài sản rủi ro như ETF, chứ không mua trái phiếu như kỳ vọng của thị trường. Ngoài ra, BOJ cũng không giảm thêm lãi suất, mà vẫn duy trì ở mức âm 0,1%.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại giảm mạnh do chịu áp lực từ đợt bán trên thị trường  khu vực khi chính sách của BOJ không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Nikke 225 tăng 92,43 điểm (+0,56%), lên 16.569,27 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 282,97 điểm (-1,28%), xuống 21.891,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 14,94 điểm (-0,50%), xuống 2.979,38 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35%, Hang Seng giảm 0,33% và Shanghai Composite giảm 1,1%. Dù giảm trong tuần qua, nhưng trong tháng 7, chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 6,38%, chỉ số Hang Seng tăng 5,28% và khiêm tốn hơn, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,7%.

Các thông tin cuối tuần như sự chính sách mới của BOJ không như kỳ vọng, GDP của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự báo là thông tin hỗ trợ đắc lực cho giá vàng khởi sắc với mức tăng hơn 1%, lên ngưỡng 1.350 USD/uonce, giúp giá vàng lấy lại được đà tăng trong tuần sau khi giảm tuần trước.

Kết thúc phiên 29/7, giá vàng giao ngay tăng 15,8 USD (+1,18%), lên 1.350,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 17,4 USD (+1,31%), lên 1.349,7 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,14% và giá vàng giao tháng 8 tăng 2,09%. Tuần tăng mạnh cuối cùng của tháng 7 giúp giá kim loại quý này lấy duy trì được đà tăng trong tháng 7. Cụ thể, trong tháng, giá vàng giao ngay tăng 2,17%, giá vàng giao tháng 8 tăng 2,2%. Trong tháng 6, giá vàng đã có mức tăng mạnh nhờ sự kiện Brexit với mức tăng lần lượt là 8,78% và 8,71%.

Với những thông tin hỗ trợ vừa có, đa số nhà đầu tư và giới phân tích đều có cái nhìn rất lạc quan về giá vàng trong tuần mới. Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 1.008 người tham gia, trong đó có 691 người, chiếm 69% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 220 người, chiếm 20% dự báo giá sẽ giảm và 117 người, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập. 

Còn trong số 19 chuyên gia trả lời, chỉ có 16 người, chiếm 84% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chỉ có 2 người, chiếm 11% số người dự đoán giá vàng sẽ giảm và 1 người, chiếm 5% số người giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng cũng không giúp giá nhiên liệu này tránh được tuần giảm mạnh và tháng giảm mạnh nhất trong năm.

Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,46 USD/thùng (+1,11%), lên 41,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,57%), xuống 42,46 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 5,86%, còn giá dầu thô Brent mất tới 7,07% giá trị. Trong tháng 7, giá dầu thô Mỹ giảm 13,93% và giá dầu thô Brent giảm 14,53%.

Tin bài liên quan