Giá dầu ung dung leo dốc

Giá dầu ung dung leo dốc

(ĐTCK) Tâm lý thị trường dầu mỏ đã dịch chuyển từ lo lắng, thấp thỏm sang kỳ vọng lạc quan trong tuần này nhờ một số cơn gió thuận chiều đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 và báo hiệu tương lai gần tích cực.

Những cơn gió thuận chiều

Những thông tin mới nhất từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela, cùng dự báo lạc quan của một số tổ chức kinh tế lớn đã đẩy giá dầu thô Brent lên mức 66,24 USD/thùng đầu tuần này, đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2018. Diễn biến này xuất hiện nhờ động lực từ báo cáo mới nhất của OPEC cho thấy, tổng sản lượng sản xuất của OPEC đã giảm xuống còn 30,8 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 31,6 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2018.

Sản lượng dầu mỏ đi xuống đa phần nhờ động thái cắt giảm hoạt động sản xuất của Ả Rập Xê út, khi quốc gia này chỉ bơm 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019, giảm 350.000 thùng/ngày so với cuối năm ngoái và thông báo sẽ tiếp tục giảm sản lượng trong thời gian tới.

Không riêng các thành viên OPEC, các đồng minh của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong đó có Nga cũng đang thực hiện nghiêm túc cam kết giảm bớt sản lượng dầu đầu ra. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ mạnh tay giảm sản lượng hơn nữa trong vài tháng tới, thực hiện “bất kỳ điều gì cẩn thiết” để góp phần điều chỉnh lại giá dầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, một động lực khác thúc đẩy đà tăng của giá dầu là báo cáo đánh giá lạc quan của Goldman Sachs. Nhà băng này cho rằng, việc OPEC cắt giảm sản lượng sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn so với dự đoán của nhiều người. Diễn biến này kết hợp cùng nhu cầu gia tăng sẽ là giải pháp cho giá dầu ở thời điểm hiện tại. Goldman Sachs dự báo, giá dầu thô Brent có thể chạm mức 67,5 USD/thùng trong quý II/2019, tăng so với dự báo được đưa ra trước đó là 63,07 USD/thùng.

Trong khi đó, Bank of America Merrill Lynch nhận định, giá dầu thô Brent sẽ giao dịch trong biên độ hẹp 50 - 70 USD/thùng cho tới năm 2024, với giá dầu “thả neo” vững chắc quanh mức 60 USD/thùng.

Một yếu tố quan trọng hỗ trợ đà đi lên của giá dầu là việc Mỹ đã áp dụng các lệnh cấm vận mới lên Venezuela. Với diễn biến này, hoạt động mua bán dầu mỏ từ Venezuela sẽ nhanh chóng đi xuống, giới hạn thêm nguồn cung dầu ra thị trường.

Đáng chú ý, diễn biến bất ngờ nhất là việc lượng dầu trong các kho dự trữ tại Mỹ giảm 998.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/2/2019, theo số liệu của Viện Nghiên cứu dầu mỏ Mỹ (API). Trong khi trước đó, các chuyên gia dự báo, lượng dầu dự trữ tăng 2,7 triệu thùng.

Đà tăng kéo dài bao lâu?

Có một số lý do để các chuyên gia nhận định, đà tăng của giá dầu sẽ còn kéo dài trong năm 2019.

Thứ nhất, sản lượng dầu mỏ của Ả Rập Xê út hiện đã ở gần mức thấp nhất 4 năm qua cho thấy quyết tâm của nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới trong việc hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Trong khi đó, Nga mới thực hiện cắt giảm 1/6 sản lượng như đã cam kết tại thỏa thuận và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thấp lượng dầu đầu ra trong thời gian tới.

Thứ hai, những lệnh cấm vận mà Iran và Venezuela đang phải gánh chịu nhiều khả năng khó được dỡ bỏ trong thời gian tới, nhất là khi chính sách ngoại giao của Mỹ đã trở nên quyết liệt hơn trong năm vừa qua, khi Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ và John Bolton đảm nhiệm vị trí Cố vấn an ninh Mỹ. Thậm chí, Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu đưa sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số không.

Tin bài liên quan