Giá dầu thấp, Philippines khốn đốn nhiều bề

Giá dầu thấp, Philippines khốn đốn nhiều bề

(ĐTCK) Sau 2 năm làm việc tại Ả Rập Xê út, Arman Abelarde thu dọn đồ đạc vào tháng 9/2016 và quay trở về Philippines, tham gia vào “đoàn hành hương” những công nhân đi lao động tại vương quốc dầu mỏ, vốn là thị trường xuất khẩu lao động chính của Phillippines trong hơn nửa thập kỷ qua.

Giấc mơ tan vỡ 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này có thể xảy ra, rằng Ả Rập Xê út có thể sụp đổ. Ở đây chẳng còn công trình nào. Các công ty đều đóng cửa và sa thải nhân viên”, Abelarde, 47 tuổi, cho biết khi đang làm rất nhiều công việc tại Manila để trợ cấp cho gia đình sau khi trở về từ Ả Rập Xê út.

Đối với rất nhiều thế hệ người Philippines, Ả Rập Xê út là vùng đất của các cơ hội vàng, bởi nguồn dầu mỏ dồi dào tại vương quốc này mang lại doanh thu khổng lồ, đủ sức đầu tư cho các dự án xây dựng lớn. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao ấy đã qua, việc giá dầu lao đầu từ 140 USD/thùng xuống còn 40 – 50 USD/thùng vào thời điểm hiện tại đã thay đổi hoàn toàn cục diện tại Ả Rập Xê út.

Với việc chính phủ Ả Rập Xê út thắt chặt chi tiêu, các công trình đóng cửa, hàng nghìn lao động nhập khẩu tại đây là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng. Trong số các công nhân nhập cư vào Ả Rập Xê út trên khắp thế giới, trong đó có Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Anh…, Singapore là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tạo thêm một mối lo lắng cho Thủ tướng Philippines Rodrigo Duterte.

Ả Rập Xê út là điểm đến hàng đầu đối với người lao động Philippines tại nước ngoài, bên cạnh những quốc gia dầu mỏ khác như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar…

Giá dầu thấp, Philippines khốn đốn nhiều bề ảnh 1

 Đa phần người Philippines chọn Trung Đông là điểm đến để tìm việc

Năm 2014, hơn 1,4 triệu người Philippines ra nước ngoài làm việc, với gần 1 triệu người tới Trung Đông, theo số liệu mới nhất từ chính phủ Philippines. Trong đó, 400.000 người tới Ả Rập Xê út, 250.000 người tới Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Số tiền từ hơn 10 triệu công nhân lao động tại nước ngoài tại khắp nơi trên thế giới gửi về chiếm khoảng 10% GDP Philippines.

“Philippines trở nên phụ thuộc khá lớn vào các công việc tại Trung Đông. Hiện tại, khu vực này đang chịu tổn thương vì giá dầu thấp, không thể hấp thu được số lượng lao động lớn như trong quá khứ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc làm và số lượng tiền gửi về quê nhà của nhiều người lao động”, Emilio Neri, nhà kinh tế học tại Bank of Philippines Islands cho biết.

Kiều hối tăng thấp nhất 10 năm qua

Kể từ đầu năm tới nay, hơn 8.000 công nhân Philippines bị mất việc tại Ả Rập Xê út, theo ước tính của cơ quan thương mại quốc tế Philippines, đe dọa tới nguồn kiều hối, cũng như hoạt động tiêu dùng tại các gia đình có người thân đi lao động tại nước ngoài và nguồn thu ngoại tệ tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, điều khiến mọi việc tồi tệ hơn là một số trụ cột khác cũng bắt đầu bị lung lay bởi giá dầu thấp. Theo đó, lượng công nhân làm việc tại nước ngoài phục vụ cho các nhà buôn và tàu vận chuyển cũng giảm mạnh. Nhu cầu tuyển dụng thủy thủ giảm 44% trong tháng 1 tới tháng 7 năm nay, so với cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Philippines. Thủy thủ người Philippines chiếm khoảng ¼ trong số 1,5 triệu thủy thủ trên toàn cầu.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2016 dự báo, lượng kiều hối của Philippines sẽ tăng 2,2%, lên mức 29 tỷ USD trong năm nay, mức chậm nhất trong một thập kỷ qua.

“Lượng kiều hối sẽ ngày càng trở nên bất ổn hơn. Giá dầu thấp đang khiến hoạt động tại khu vực Trung Đông bị ngừng trệ, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ảm đảm đối với các nhà vận chuyển năng lượng đường biển, tác động tới đa số người lao động Philippines tại nước ngoài”, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC Holdings Plc Hong Kong cho biết.

Tin bài liên quan