Giá dầu lên 70 USD/thùng, OPEC chưa thể vội mừng

Giá dầu lên 70 USD/thùng, OPEC chưa thể vội mừng

(ĐTCK) Giới quan sát cho rằng, OPEC và các bên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng nên cẩn trọng trước khi thay đổi chiến lược, bởi việc giá dầu đi lên không phản ánh chính xác tình hình lượng dầu dự trữ trên thế giới.

Trong phiên giao dịch ngày 16/1, giá dầu thô Brent đã vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua. Điều này tưởng chừng có thể khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vui mừng, bởi dường như kế hoạch cắt giảm sản lượng đã phát huy hiệu quả, đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng cung - cầu và đẩy giá dầu hồi phục. Tuy nhiên, theo các chiến lược gia thị trường, OPEC chớ nên vội mừng, bởi diễn biến trên chưa phải là tất cả.

Thực tế, các thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu được OPEC cùng một số nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới thực hiện đã mang lại tác dụng rất tích cực, phần nào hạn chế được nguồn cung dầu dư thừa trên thị trường, giảm bớt lượng hàng tồn kho.

Trong khi đó, các kho dự trữ dầu của Mỹ, bao gồm cả dầu thô, các sản phẩm tinh chế và lượng dầu dự trữ tại Kho dự trữ dầu chiến lược, đã giảm khoảng 147 triệu thùng trong 12 tháng qua, hiện chỉ cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 23 triệu thùng, theo số liệu được công bố theo tuần của Chính phủ Mỹ.

Trước diễn biến này, giới quan sát cho rằng, OPEC và các bên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng nên cẩn trọng trước khi thay đổi chiến lược, bởi việc giá dầu đi lên không phản ánh chính xác tình hình lượng dầu dự trữ trên thế giới.

Thực tế cho thấy, khối lượng dầu dự trữ tại nhiều khu vực bên ngoài nước Mỹ là không rõ ràng. Trong khi Mỹ cung cấp các số liệu theo tuần, thì Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chỉ đánh giá khối lượng dầu dự trữ tại OECD với độ trễ khoảng 2 tháng. Bởi vậy, số liệu mới nhất mà thị trường nhận được là con số vào cuối tháng 10.

Dù các số liệu này cho thấy khối lượng dầu dự trữ đang giảm xuống kể từ giữa năm 2017, song vấn đề là lượng dầu dự trữ trung bình trong 5 năm, căn cứ tính lượng dầu dư thừa, cũng tăng lên. Điều này sẽ tác động mạnh tới việc ước tính số lượng dầu dư thừa và công bố số liệu.

Chưa kể, nếu tìm kiếm số liệu về lượng dữ trữ dầu bên ngoài OECD và các quốc gia phát triển, các con số càng trở nên mờ mịt hơn. Bởi vậy, ngay cả khi lượng dầu dự trữ của Mỹ đang tiến gần lại mức trung bình 5 năm và các số liệu của IEA cho thấy lượng dầu đang giảm xuống, sự thực có thể hoàn toàn trái ngược ở phần còn lại của thế giới.

Đây không phải yếu tố duy nhất mà OPEC cùng các đồng minh cần cân nhắc trước khi thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Một khi đã lựa chọn trở thành một nhà cung cấp sản phẩm nhún nhường nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa lượng dầu sẵn có và khối lượng khách hàng cần, OPEC đã tự tay đặt sản phẩm của mình vào phía cuối của kệ hàng, nhường chỗ cho các sản phẩm khác, mà hiện tại, sản phẩm "bắt mắt" nhất chính là dầu đá phiến của Mỹ.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng ngay từ khi giá cả có dấu hiệu nhích lên và sẽ tiếp tục giữ xu hướng này. Ước tính, lượng dầu trung bình trong tháng 10 của quốc gia này là hơn 400.000 thùng/ngày. Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu trung bình của Mỹ sẽ vượt qua con số 10 triệu thùng/ngày vào tháng 2/2018, sớm hơn 4 tháng so với dự báo vào tháng trước của Chính phủ Mỹ.

Trong bối cảnh này, OPEC đang đối diện với rủi ro sẽ phải tiếp tục giảm sản lượng sâu và lâu hơn nữa khi sản lượng đầu ra của các nhà sản xuất khác, đặc biệt là Mỹ, tăng lên. Hiện tại, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã tiến hành các cuộc thỏa thuận để chốt giá dầu không chỉ cho năm 2018, mà cả 2019, 2020 và xa hơn nữa, trong đó sản lượng sẽ tiếp tục leo dốc. Chưa kể IEA dự báo, Brazil và Canada cũng sẽ thúc đẩy sản lượng đầu ra ở mức giá hiện tại.

Một vấn đề đáng quan ngại khác chính là yếu tố cầu trên thị trường. Thực tế, nhu cầu tăng trưởng cao hơn dự báo là một trong những lý do giúp các nhà sản xuất dầu mỏ có thể bán được lượng lớn dầu dự trữ trong năm 2017 và OPEC dự báo tốc độ tăng trưởng tương tự sẽ được giữ vững trong năm nay.

Tuy nhiên, với cái nhìn thận trọng, IEA nhận định, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu mỏ sẽ chỉ ở mức 1,3% trong năm nay. Với con số này, kỳ vọng lượng dầu dư thừa trên toàn cầu được sử dụng hết càng trở nên xa vời, nhất là khi sản lượng dầu đầu ra tại Mỹ vẫn gia tăng.

Bên cạnh đó, việc giá dầu theo xu hướng tăng cũng tác động tới động lực sử dụng của những khách hàng cuối cùng. Nếu tăng trưởng nhu cầu không mạnh như dự báo của OPEC, kỳ vọng cung cầu thị trường đạt được vào năm 2018 có thể sẽ bị trì hoãn thêm một thời gian nữa.

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia kinh tế, OPEC và các quốc gia tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng không nên bị phân tâm bởi dòng tiền nóng vào thị trường giúp giá dầu đi lên. Hành động sớm thúc đẩy sản lượng có thể tạo nên rủi ro phá hủy hết những nỗ lực mà sự hy sinh trước đó đã tạo ra.

Tin bài liên quan