Flatiron Health: Thay đổi hoàn toàn ngành dữ liệu y học

Flatiron Health: Thay đổi hoàn toàn ngành dữ liệu y học

(ĐTCK) Năm 2008, khi 23 tuổi, Nat Turner chứng kiến cháu trai 6 tuổi của mình mắc căn bệnh về bạch cầu hiểm nghèo hiếm gặp. Khi cháu trai cần ghép tủy lần thứ hai, gia đình Nat Turner đã hoàn toàn tuyệt vọng khi một số bệnh viện từ chối tiến hành.

Ðau lòng trước câu hỏi của những người thân: “Tại sao bệnh viện này không biết bệnh viện khác đang làm gì? Không có ai có dữ liệu thống kê hay sao?”, Tuner đã suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Có hàng triệu dữ liệu y khoa giá trị đang bị “khóa” tại các phòng khám riêng lẻ. Cần có ai đó mở khóa để có thể truy cập được vào kho dữ liệu quý báu này.

Theo đó, Tuner, cũng một người bạn đại học là Zach Weinberg đã thành lập công ty thứ ba của mình về lĩnh vực y khoa. Công ty đầu tiên của 2 chàng trai này là một dịch vụ vận chuyển đồ ăn online đã thất bại, công ty thứ hai là dịch vụ quảng cáo online mang tên Invite Media đã được bán cho Google với giá 81 triệu USD năm 2010, khi họ 24 tuổi.

Không có nhiều gánh nặng về tài chính và vẫn đang làm việc cho Google, cả hai bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực y tế mà không hề có kinh nghiệm về ngành này. Những trải nghiệm của gia đình Tuner và việc điều trị bệnh của cháu trai trở thành kim chỉ nam định hướng.

Công ty mới của Turner và Weinberg mang tên Flatiron Health được sáng lập năm 2012, với mục tiêu thu thập dữ liệu bệnh nhân tại các hệ thống phòng khám, bệnh viện, nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, phát triển các phương thuốc, cũng như kết nối những người bệnh có nhu cầu. Ngay khi ra mắt, Flatiron Health nhận về 328 triệu USD từ vòng gọi vốn. Nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu.

Forbes ước tính, doanh thu trung bình hàng năm của Flatiron vào khoảng 200 triệu USD. Trong tháng 4/2018, hãng dược phẩm khổng lồ Thụy Sĩ - Roche đã mua lại Flatiron với giá 1,9 tỷ USD, không bao gồm 200 triệu USD cổ phần vốn đã sở hữu tại hãng dữ liệu khoa học này. Nhờ vậy, tài sản của Turner và Weinberg đạt 250 triệu USD mỗi người, theo ước tính của Forbes.

Mục tiêu của Flatiron là vượt qua được giới hạn lớn nhất của ngành y tế. Nếu một nhà nghiên cứu muốn biết liệu phương thuốc mới có hiệu quả hay không, họ chỉ có một cách là tuyển bệnh nhân tình nguyện thử nghiệm. Phương pháp này có nhiều nhược điểm. Ðầu tiên là vấn đề đạo đức khi tìm kiếm tình nguyện viên, sau đó là mối lo ngại kết quả thử nghiệm sẽ không chính xác khi sản phẩm được sản xuất hàng loạt.

Tuy nhiên, việc tiếp cận với dữ liệu rất khó khăn, ngay cả ở thời điểm hiện tại. Tại nhiều bệnh viện, người quản lý thậm chí không biết các thông tin cơ bản như có bao nhiêu bệnh nhân ung thư gan hay tụy đang được điều trị. Do đó, Flatiron mở ra cánh cửa mới, khi cho phép người dùng truy cập vào dữ liệu y tế được lưu trữ online tại gần 280 trung tâm y tế, với hơn 2 triệu bệnh nhân.

Công ty thuê 1.000 nhân lực để đọc các phiếu khám bệnh của bác sĩ và chuyển sang dạng dữ liệu về việc bệnh nhân được điều trị như thế nào, kết quả ra sao, điều gì xảy ra tiếp theo.

Quy mô của hệ thống sẽ ngày càng lớn hơn nữa, khi công nghệ ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế. Với tiềm năng này, Flatiron đang hợp tác với tất cả các nhà sản xuất thuốc điều trị ung thư lớn nhất trên thị trường.

“Chúng tôi tin rằng, mọi người đều quan tâm tới cuộc chiến của các bệnh nhân ung thư. Các bằng chứng thực tế rất quan trọng để chúng ta tìm ra cách chữa trị, đối xử tốt nhất với họ, cũng như tận dụng hết nguồn lực để tìm ra cách giải quyết”, Thomas Lynch, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Bristol-Myers Squibb, một trong những hỗ trợ Flatiron nhiều năm qua nhận định.

Tuner và Weinberg bắt đầu Flatiron Health vào tháng 6/2012, 2 năm sau khi làm việc tại Google. Tới tháng 1/2013, Công ty đã nhận được 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Google Ventures, First Round Capital và các nhà đầu tư khác.

 Zach Weinberg và Nat Turner.

Ý tưởng ban đầu là tạo nên một tổ chức phi lợi nhuận, nơi có thể giúp các bệnh nhân có thêm cơ hội tìm kiếm chuyên gia phù hợp để chữa trị cho mình. Tuy nhiên, ý tưởng này gặp trở ngại lớn.

“Chúng tôi phải tạo ra một phần mềm có thể chạy trên các nền tảng dữ liệu điện tử tại các bệnh viện. Nhưng những kỹ sư giỏi không làm việc phi lợi nhuận. Họ thường tới làm việc tại những công ty như Facebook”, Turner nói và cho biết, càng trao đổi nhiều với các bác sĩ, mối lo ngại này càng gia tăng.

Theo đó, 2 chàng trai quyết định sẽ tạo nên một phần mềm có thể bán được cho các bệnh viện, giúp các bệnh viện kiểm soát được hoạt động và nắm bắt thông tin, đồng thời, sử dụng các thông tin thu nhập được để bán cho các nhà nghiên cứu dược phầm. Ngay từ đầu, Turner và Weinberg đã biết, các công ty dược phẩm sẽ trở thành khách hàng quan trọng nhất.

Thực tế, trở ngại lớn nhất của Flatiron Health là việc bán sản phẩm non trẻ của mình cho các trung tâm y tế. Thương vụ đầu tiên của Công ty với Trường đại học Pennsylvania mất hơn 1 năm để hoàn thành. Trung tâm điều trị ung thư lớn đầu tiên chấp nhận Flatiron là Yale, mà khi được hỏi đâu là yếu tố quyết định, Weinberg chỉ nói một cái tên “Tom Lynch”.

Lynch là người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Phát triển tại Bristol-Myers, đồng thời là thầy thuốc phụ trách chuyên môn tại Bệnh viện ung thư Smilow của Yale. Sau khi được một bác sĩ khác giới thiệu về Tunrner và Weinberg, Lynch cho biết: “Tôi hoàn toàn choáng ngợp”.

“Các đây 7 năm, tôi không thể biết có bao nhiêu bệnh nhân tại Yale đang được điều trị ung thư tuyến tụy vào thời điểm được hỏi. Tôi chỉ biết nói rằng: Các thông tin này sẽ có nhiều năm sau đó và do Viện nghiên cứu ung thư quốc gia công bố. Khi một công ty như Roche hoặc Bristol-Myers tới và hỏi tôi rằng, chúng tôi có phương thuốc thử nghiệm đối với một loại bệnh, ông biết bao nhiêu bệnh nhân sẽ muốn thử. Tôi hoàn toàn không có thông tin dạng này”, Lynch nói.

Sau những bước tiến đầu tiên, Flatiron có thêm nhiều thương vụ với các bệnh viện ung thư và phòng khám, nhưng khi tiếp cận các công ty dược phẩm, cả Weinberg và Turner nhận ra rằng, dữ liệu họ cung cấp là không đủ, bởi số lượng vẫn ít ỏi.

Ðiều này dẫn tới quyết định liều lĩnh, mua lại một công ty ghi nhận dữ liệu y tế điện tử, trong khi đa phần các doanh nghiệp này đều thuộc về những gã khổng lồ như Epic Systems of Verona (Wisconsin) và Cerner of North Kansas City (Missouri).

“Turner và tôi tự nhẩm tính, giá để mua một công ty vào khoảng 80 triệu USD. Chúng tôi không có số tiền này, nên liền nghĩ tới Google Ventures. Tôi nhớ rõ rằng, chính tôi đã nói: Chúng ta nên hỏi họ, nhưng rõ ràng chẳng đời nào họ đồng ý”, Weinberg nhớ lại.

Yeshwant, người mà Turner đã liên hệ tại Google Venture kể: “Khi nghe chuyện này, tôi gần như cười phá lên. Nhưng Turner trả lời: Chúng tôi không đùa. Chúng tôi sẽ làm việc này”.

Và quả thực, bên cạnh việc nỗ lực thuyết phục Google Ventures, Turner và Weinberg tìm cách thuyết phục một công ty ghi nhận dữ liệu y tế tên Altos đồng ý “bán mình”. Cuối cùng, Google Ventures chấp thuận đầu tư 130 triệu USD, trong đó 100 triệu USD dành để mua Altos.

Với thương vụ này, Flatiron từ một Công ty có 17 nhân viên, làm việc tại New York, trở thành doanh nghiệp có 135 nhân lực tại 12 bang ở Mỹ.

Tất nhiên, cùng với sự lớn mạnh của Công ty là những mối lo ngại về việc Flatiron sẽ xa rời mục tiêu ban đầu, đó là giúp các bệnh viện hoạt động tốt hơn, trao cho bệnh nhân ung thư thêm cơ hội, mà chuyển thành chỉ thu thập dữ liệu để bán cho ngành công nghiệp dược phẩm.

Vậy nhưng, 2 chàng trai trẻ này vẫn đang vững bước theo định hướng của mình, khi cho phép các bệnh nhận tự lựa chọn thông tin được công bố với các nhà nghiên cứu, đồng thời làm theo các quy định về nhân quyền.

Hiện tại, Flation có sự chống lưng từ “tiền mặt” của các nhà đầu tư, các chuyên gia từ gã khổng lồ Roche và sự quan tâm của các nhà sản xuất thuốc ung thư hàng đầu thế giới. Dù mọi người thích nó hay không, đây vẫn là cách mà các nhà nghiên cứu cần có để tìm ra phương pháp chữa trị ung thư.

Tin bài liên quan