EU và Nhật Bản: “Ứng viên sáng giá” của đình đốn

(ĐTCK) Lạm phát thấp, cận kề giảm phát đang là “búi dây” quấn vào bánh xe tăng trưởng của Nhật Bản và EU, khiến cho hai nền kinh tế này trở thành những ứng viên sáng giá nhất cho rủi ro đình đốn trong năm 2014.  
EU và Nhật Bản: “Ứng viên sáng giá” của đình đốn

Larry Summers, giáo sư kinh tế của Đại học Havard từng đánh giá, lãi suất ngắn hạn thực tế tương ứng với trạng thái việc làm đầy đủ đã giảm còn -2% đến -3% trong giữa thập kỷ qua.

Điều này bắt nguồn từ hiện tượng dư thừa tiết kiệm toàn cầu và có thể một phần bởi sự suy giảm về nhu cầu đầu tư.

Do hầu như không có rủi ro nên tiền có thể có lãi suất danh nghĩa bằng không, điều mà các công cụ tài chính khác không thể có.

Với việc sản lượng thực tế thấp hơn khá nhiều mức tiềm năng kể từ đầu năm 2008, lạm phát kỳ vọng đã không đạt được mức sao cho với lãi suất danh nghĩa bằng không thì lãi suất thực tế âm tương đối, mặc dù các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã gia sức bơm tiền vào hệ thống.

Kết quả là thất nghiệp cao cứ kéo dài mãi với một mô thức đáng ngại: tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hôm nay trở thành tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên cao ngày mai.

Liệu quan điểm này có đúng và liệu có cần các chính sách kích cầu táo bạo?

Hầu hết dân số thế giới đang sống ở các thị trường mới nổi với 45% GDP toàn cầu. Mặc dù thấp hơn năm 2010 và năm 2011, song tăng trưởng ở các thị trường mới nổi có thể đạt khoảng 4,6% trong năm nay.

Theo dự báo dài hạn của Citi gần đây thì tăng trưởng của các thị trường mới nổi sẽ rơi vào khoảng 5% trong 5 năm tới. Như vậy, rủi ro đình đốn ở các thị trường mới nổi là rất thấp.

Rủi ro đó cũng không đáng kể đối với Mỹ. Nước này chỉ có một năm kinh tế 2013 tầm thường do chính sách thắt chặt tài khóa vội vã và được thiết kế tồi - đã lấy mất của tăng trưởng GDP 1,5 điểm phần trăm -, nhưng điều này có thể sẽ không lặp lại.

Năm 2014, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chỉ thấp hơn 3% và ở trên mức này một chút trong năm 2015 và 2016. Hơn nữa, rủi ro lớn nhất không còn, do đầu tư tư nhân có thể mạnh hơn kỳ vọng.

Anh quốc có thể tăng trưởng trên 3% trong hai năm 2014 và 2015, dù điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào việc dỡ bỏ chính sách thắt chặt tài khóa và nhu cầu nhà ở. Giá nhà riêng tại Anh đã bùng nổ trong thời gian gần đây một phần bởi nhu cầu tăng lên từ giới nhà giàu trên khắp thế giới, phần khác bởi chính sách cho vay mua nhà lên đến 95% giá trị.

Vậy là các thị trường mới nổi, Mỹ và Anh có thể tránh được rủi ro đình đốn trong năm 2014. Còn hai nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và EU thì sao?

Nhật Bản đang cố gắng thoát khỏi 15 năm giảm phát và đình đốn, nhưng ngân hàng trung ương nước này sẽ phải làm nhiều hơn, với một chương trình kích thích tài khóa tạm thời lớn hơn để bù đắp cho việc tăng thuế theo kế hoạch vào các năm 2014 và 2015. Nhật cũng còn nhiều việc phải làm hơn nữa để gia tăng lực lượng lao động, thúc đẩy năng suất trong khu vực dịch vụ nếu muốn sản lượng tiềm năng cải thiện. Nhật vẫn còn đó rủi ro đình đốn trở lại.

Ứng viên “sáng giá” nhất cho khả năng đình đốn là khu vực đồng euro. Tốc độ phục hồi đáng kể là không thể có ở nơi đây chừng nào mà vấn đề nợ công chưa được xử lý ổn thỏa, các ngân hàng chưa cho vay bình thường trở lại và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa xoay chuyển được sự bất cân xứng giữa ổn định giá cả và ngăn ngừa giảm phát.

Vậy làm thế nào để EU và Nhật Bản có thể giảm thêm được lãi suất thực ngắn hạn và kích cầu nền kinh tế? Chắc chắn không phải bằng cách vay thêm tiền để tiêu. Bởi khi đó, hoặc là các thị trường sẽ phản ứng, hoặc là các chính phủ sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ mới khi lãi suất thực tăng trở lại. Đây có lẽ là tin buồn đối với khả năng bùng nổ tiêu dùng ở các xã hội đang lão hóa này.

Một cách khác có thể ngăn ngừa đình đốn là chính sách tài khóa mở rộng liên tục (nhưng không vô độ), được tài trợ thông qua phát hành tiền cơ sở, dạng như chính sách nới lỏng định lượng của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể in tiền ra để mua trái phiếu của Chính phủ.

Nhưng ECB có vẻ không muốn làm như vậy. Ngân hàng này tin rằng, chính sách mà họ đã áp dụng trong thời kỳ tăng trưởng dưới tiềm năng, lạm phát thấp hơn mục tiêu là để thu hẹp bảng cân đối của cả hệ thống châu Âu, đã giảm được khoảng 26%.

ECB có lý của họ, nhưng các biện pháp như thiết lập lãi suất tiền gửi dưới không, bơm tiền mở rộng bảng cân đối thông qua mua lại nợ tư và công và áp dụng lãi suất tái cấp vốn dài hạn gần bằng không là những gì cần thiết phải làm nếu muốn khu vực đồng euro tránh được đình đốn kéo dài.