Elon Musk từ bỏ ý tưởng mơ mộng hủy niêm yết

Elon Musk từ bỏ ý tưởng mơ mộng hủy niêm yết

(ĐTCK) Đầu tháng 8, CEO Tesla Elon Musk khiến thị trường dậy sóng bởi thông báo sẽ tư nhân hóa Công ty với phương án đã được chuẩn bị sẵn. 3 tuần sau đó, vị CEO này đã thay đổi ý định, để Tesla tiếp tục bám trụ tại sàn chứng khoán.

Cuối tuần trước, trong một thông báo trên blog liên kết với website Công ty, Elon Musk cho biết, Tesla vẫn giữ tình trạng là doanh nghiệp đại chúng niêm yết.

Có 4 yếu tố chính khiến vị CEO này đổi ý: Cổ đông hiện hữu tin rằng Tesla sẽ hoạt động tốt hơn khi là công ty đại chúng; các cổ đông là quỹ đầu tư vướng quy định sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp không niêm yết trên sàn; hiện chưa thể xác định được phương án để các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thương vụ tư nhân hóa;

Cuối cùng, quá trình rút niêm yết có thể khiến Công ty bị sao nhãng khỏi việc sản xuất và tung ra thị trường loại xe Model 3 – sản phẩm được đánh giá có tính quyết định tới sức khỏe tài chính của Tesla hiện tại.

Trong nhiều năm, Elon Musk đã có ý nghĩ “mơ mộng” về việc rút niêm yết Tesla và mới công bố chính thức vào đầu tháng 8/2018 khi nhận được sự ủng hộ từ một số nhà đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên, theo 5 nguồn tin thân cận được New York Times trích dẫn, tới thời điểm này, Elon Musk đã nhận ra bản thân suy nghĩ quá đơn giản. Việc hủy niêm yết có thể giải quyết một số rắc rối hiện tại, nhưng đồng thời cũng mang tới những vấn đề mới.

Bên cạnh các nguyên nhân được CEO Tesla chỉ ra kể trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng còn có những lý do khác.

Trong đó, đáng chú ý nhất là mối lo lắng về việc trao quá nhiều quyền kiểm soát cho các nhà đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư của Ả Rập Xê út, trong khi gạt bỏ các cổ đông nhỏ hơn.

Đây là vấn đề tác động tới cả tính biểu tượng và sự phát triển bền vững cho Tesla, khi một doanh nghiệp sản xuất phương tiện bằng điện với mục tiêu phát triển bền vững lại được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư từ vương quốc dầu mỏ và thường bị chỉ trích bởi các vấn đề về quyền con người.

Cùng với đó, vấn đề phát sinh khi không phải cổ đông lớn nào của Tesla hiện tại cũng có thể tham gia vào chương trình mua lại cổ phiếu nhằm rút niêm yết của Công ty.

Nguyên nhân bởi 5 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Tesla đều là quỹ đầu cơ hoặc quỹ ETF, với các quy định chặt chẽ về việc đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết. Nếu Tesla trở thành công ty không niêm yết trên sàn, những cổ đông lớn này khó có khả năng tham gia vào thương vụ.

Điều này nảy sinh rủi ro Elon Musk có thể mất quyền kiểm soát doanh nghiệp vào nhà đầu tư tổ chức lớn.

Hiện tại, vị CEO này đang nắm giữ khoảng 22,4% cổ phiếu của Tesla và ít có khả năng gia tăng tỷ lệ này. Trong khi đó, với việc một số cổ đông lớn không thể tiếp tục nắm giữ, rất có thể Tesla sẽ rơi vào tay quỹ đầu tư của Ả Rập Xê út.

Chưa kể, hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vẫn đang trong quá trình xem xét các thông báo của Elon Musk về chương trình rút niêm yết có xung đột với các quy định của luật chứng khoán hay không. Và việc nằm trong tầm ngắm của nhà quản lý chưa bao giờ là điều thú vị của các doanh nghiệp, nhất là khi tình hình tài chính của Tesla không lấy làm khả quan trong thời gian này.

Việc công bố rút niêm yết khiến thị trường dậy sóng, thì tuyên bố đổi ý của Elon Musk cũng không hề xuất hiện trong yên bình.

Ngay sau thông báo của Elon Musk, giá cổ phiếu của Tesla đã giảm khoảng 11% cho tới phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/8) và giảm khoảng 15% so với mức 379,57 USD/cổ phiếu đạt được vào ngày tuyên bố sẽ rút niêm yết Tesla. Đồng thời, không ít ý kiến đã lên tiếng chỉ trích về khả năng lãnh đạo của vị CEO này.

“Bạn không thể cứ thế quẳng ra vài thông tin khiến thị trường biến động mạnh, sau đó nói một cách đơn giản là mọi người đừng để ý. Đây là vị trí CEO của một doanh nghiệp niêm yết. Thông báo của người lãnh đạo là thông điệp của doanh nghiệp. Liệu đây có trở thành mẫu hình mới để các doanh nghiệp khác làm theo?”, Peter Henning, giáo sư luật tại Đại học Wayne State nhận định.

Tin bài liên quan