Phương Tây kêu gọi trở lại
"Trump (Tổng thống Mỹ Doanld Trump - PV) và Macron (Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - PV) đã nói chuyện qua điện thoại và quyết định mời Nga tham dự G7 vào năm tới", dòng tweet của nhà báo CNN Kylie Atwood khiến cả thế giới chú ý.
Theo đó, Tổng thống Mỹ sẽ chính thức công bố đề xuất này tại Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào ngày 26-28/8 tại Biarritz, Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bày tỏ mong muốn đưa Nga trở lại G8 trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 20/8.
Tại cuộc gập này, các nguyên thủ quốc gia đã thảo luận về việc giải quyết tình hình ở Ukraine và Macron nhấn mạnh rằng, nếu G7 không quay về là G8 thì điều này là không thể.
Ông Putin nói: “Bây giờ đang là G7. Còn nói đến khả năng về một nhóm gồm 8 quốc gia, chúng tôi không bao giờ từ chối bất cứ điều gì”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở La Malbaie, Québec, Canada năm 2018.
Ông Trump cũng đã nhiều lần đề cập đến sự cần thiết phải quay lại của G8. “Dù bạn có thích hay không, chúng ta có một thế giới cần được quản lý”, ông Trump từng nói trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018.
Bước ngoặt năm 2014
Năm 2014, Nga chính thức giữ cương vị Chủ tịch luân phiên G8. Moscow dự định sẽ tổ chức Hội nghị thượng đinh G8 vào tháng 6 tại Skolkovo, nơi được coi là “Thung lũng Silicon” của Nga. Nhưng Skolkovo không thể hoàn thành tu sửa cơ sở hạ tầng đúng hạn, vì vậy, hội nghị thượng đỉnh G9 đã được chuyển đến khu nghỉ mát Krasnaya Polyana, Sochi.
Thành phố phía Nam đã được chuyển đổi để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông 2014. 1.000 tỷ rúp đã được chi cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nhưng trước khi Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra, ngày 25/3/2014, các nhà lãnh đạo G8 tuyên bố sẽ không đến Sochi. Thông cáo chung nói rằng, phương Tây tẩy chay và tước tư cách thành viên G8 của Nga là do "sự vi phạm thô thiển về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine của Moscow".
Các nhà lãnh đạo G7 họp trong Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại The Hague, Hà Lan năm 2014.
Vào đêm 24/3, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama, tại The Hague (Hà Lan), lần đầu tiên kể từ năm 1996, một cuộc họp của những người đứng đầu Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Canada, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã diễn ra mà không có sự góp mặt của Nga. Tại đó, quyết định tẩy chay Nga đã ra đời.
“Tôi luôn sẵn sàng chào đón những người đồng nghiệp của mình. Nhưng nếu họ đã không muốn đến, thi tôi cũng không cần”, Tổng thống Putin lúc đó đáp lại.
“Những người đồng nghiệp” của ông Putin đã không bao giờ đến Sochi, thay vào đó họ đến Brussels. Và chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh năm đó là về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Lần duy nhất Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Nga
Mối quan hệ của Nga với G7 bắt đầu vào mùa Hè năm 1991 khi lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại London vào ngày 17/7. Từ sau đó, Tổng thống Boris Yeltsin bắt đầu tích cực gặp mặt các nước G7.
G7 đã trở thành G8 vào năm 1994 ở Naples trong lần thứ 20 diễn ra hội nghị, nhà lãnh đạo Nga đã tham gia với tư cách là một đối tác bình đẳng.
G8 không phải là một tổ chức quốc tế với điều lệ, ban thư ký và tiêu chí chấp nhận như Liên Hợp quốc hay Ngân hàng Thế giới. Ghế chủ tịch của nhóm được luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên, với trách nhiệm chủ tịch tính từ ngày 1/1.
Nước giữ ghế chủ tịch tổ chức một loạt hội nghị cấp bộ trưởng, từ đó dẫn đến hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ trong 3 ngày vào giữa năm, cũng như việc bảo đảm an ninh cho người tham dự.
Tổng thống Vladimir Putin chúc mừng sinh nhật Thủ tướng Angela Merkel trước cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G8 tại St. Petersburg năm 2006.
Nga đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 32 tại St. Petersburg vào năm 2006. Các cuộc họp được tổ chức tại Cung điện Konstantinovsky ở Strelna.
Chương trình nghị sự năm đó bao gồm: an ninh năng lượng toàn cầu, xung đột Trung Đông, cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm và các vấn đề giáo dục. Ngoài ra, diễn đàn đã thảo luận về vấn đề thương mại giữa Nga và Mỹ, cũng như việc Moscow gia nhập WTO. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh năm 2006 được cho là không có đột phá gì đáng nhớ.
G7 liệu còn có cần thiết?
Lời đề nghị đưa Nga trở lại G8 của Tổng thống Macron thể hiện mong muốn của Pháp trong vai trò trung gian hòa giải giữa phương Tây và Nga cũng như phá vỡ sự bế tắc trong mối quan hệ Nga - châu Âu. Pháp cũng đề nghị Nga trở lại Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (CoE) vào mùa hè này. Trong bối cảnh những khó khăn mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong những năm gần đây, Pháp cho thấy Paris thật sự mong muốn thiết lập quan hệ với Moscow.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến khả năng quay lại G8 của Nga là mối quan hệ "thân thiết quá mức" giữa Nga và Trung Quốc, cũng là mối quan hệ khiến châu Âu lo ngại.
Ông Alexei Kuznetsov, quyền giám đốc Viện Thông tin Khoa học về khoa học xã hội (INION) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã chỉ ra rằng, châu Âu đang cố gắng thuyết phục Moscow "không làm bạn với Bắc Kinh".
"EU sợ rằng, châu Âu sẽ mất đi tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tất nhiên, đối với Nga, mối quan hệ chặt chẽ với nước láng giềng phía Đông tiềm ẩn một số rủi ro, nhưng về lâu dài, mọi chuyện sẽ ổn mà không cần quan hệ với châu Âu”, ông nói.
Và cuối cùng, vị chuyên gia chỉ ra một điểm quan trọng: “Moscow được khuyên "không nên làm bạn" với Bắc Kinh, bởi những nước đã áp lệnh trừng phạt lên Nga”.
Moscow, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về G8, sẽ thận trọng xem xét chương trình nghị sự của các sự kiện.
“Nghi lễ khôi phục lại địa vị như hoàng gia, một bức ảnh chung với các nguyên thủ quốc gia khác, hay những thứ tương tự không được Nga quan tâm lắm”, Giáo sư Vladimir Batyuk, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính trị quân sự Mỹ và Canada thuộc Viên Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
Nga hiện có nhiều mối quan tâm hơn như Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, G20 hay BRICS, những tổ chức hoàn toàn thay thế được G8.
Theo nhà nghiên cứu này, bằng cách này hay cách khác, G8, khi hình thành, là một diễn đàn chính trị của các cường quốc mà chủ yếu là phương Tây. Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại, quan niệm của G8 đã lỗi thời và việc Nga quay trở lại chỉ đơn giản là không có lợi ích gì.